Chị H., nữ du khách trong vụ việc, cho biết chị không ngờ phản ứng của cộng đòng mại lại “dữ dội” như vậy. Chị này nói từ sau sẽ tránh, không tập yoga ở các điểm như thế này. Tuy nhiên, chị cũng cho rằng mỗi người có sở thích riêng, nên tôn trọng sự khác biệt.
Nữ du khách Việt Nam tạo dáng yoga ở cung điện Gyeongbokgung
Theo đó, hôm 29/10, một nữ du khách Việt Nam gây tranh cãi khi đăng tải hình ảnh, video tạo dáng “trồng cây chuối”, tập yoga trước Quảng trường Gwanghwamun - cổng thành lớn nhất của cung điện Gyeongbokgung ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Dư luận Việt Nam sau đó đã tranh cãi gay gắt về hành động này. Một số ý kiến cho rằng du khách trên không vi phạm quy định nào tại điểm tham quan, trong khi nhiều người khác chỉ trích điều này là “không phù hợp”, “phản cảm”.
Liên quan đến vụ việc, một quan chức của Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc cho biết, nhà chức trách đảm bảo du khách có thể tham quan và trải nghiệm tự do mà “không làm tổn hại đến phẩm giá của di sản văn hóa”.
Cũng theo vị này, cơ quan liên quan “sẽ xem xét việc thiết lập các hướng dẫn để ngăn chặn các trường hợp tương tự trong tương lai”.
Trong khi đó, hàng loạt các tờ báo, hãng thông tấn tại Hàn Quốc đã đưa tin về vụ việc. Đáng chú ý, Giáo sư Seo Kyung Deok của trường Đại học nữ Sungshin (Seoul) bày tỏ lo ngại về những tổn hại với giá trị văn hóa không thể đong đếm.
"Rõ ràng đây là một hành vi không đúng đắn tại một điểm tham quan lịch sử tại Hàn Quốc. Việc cư dân mạng Hàn Quốc không hài lòng là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Du khách có thể tự do tập yoga ở bất cứ nơi nào, nhưng nếu liên quan tới tài sản văn hóa của quốc gia khác, rõ ràng rất sai lầm", - Giáo sư Seo nhận định.
Giáo sư Seo Kyung Deok cho rằng, Ban quản lý cung điện Gyeongbokgung cần đưa ra những biện pháp an ninh thắt chặt hơn nữa, nhằm ngăn chặn điều tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Trên một số diễn đàn, không ít người dùng mạng Hàn Quốc cũng bình luận về chủ đề này. Có người cho rằng, nữ du khách không làm ảnh hưởng đến ai hay vi phạm luật pháp. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến chỉ trích hành động trên là “kỳ lạ”, “thô thiển” và không phù hợp ở nơi công cộng.
Một số ý kiến cho rằng, Hàn Quốc là quốc gia khá cởi mở, tuy nhiên việc tập yoga ở điểm du lịch có tính chất lịch sử là không nên. Cung điện Gyeongbokgung là nơi tôn nghiêm, được giữ gìn qua nhiều triều đại nên khi đến các địa điểm này cần có tác phong nghiêm túc.
Người trong cuộc nói gì?
Liên quan đến vụ việc, chị H. (sống ở Hà Nội) - người phụ nữ tạo dáng yoga bên ngoài cung điện Gyeongbokgung - cho biết, hình ảnh được chụp hôm 31/10 trong chuyến đi 6 ngày 5 đêm đến Hàn Quốc.
Chị này cho rằng, khi đăng tải hình ảnh mình làm động tác yoga bên ngoài cung Gyeongbokgung, chị không nghĩ sẽ nhận được phản ứng dữ dội như vậy từ cộng đồng mạng.
"Tôi đi lướt qua các điểm, thấy chỗ đó có bờ tường đẹp nên chụp vài kiểu, chứ không vào bên trong. Địa điểm này là nơi vua và cung tần ở ngày xưa chứ không phải nơi thờ cúng hay lăng tẩm. Tôi chỉ tập bên ngoài. Người dân đi qua họ còn vỗ tay cổ vũ, xin chụp ảnh cùng", - báo Dân trí dẫn lời chị H.
Theo chị, ở các nước có nhà thờ Hồi giáo hay chùa ở Thái Lan, nếu du khách ăn mặc không đúng quy chuẩn, hoặc mặc váy quá ngắn, bảo vệ sẽ nhắc nhở, yêu cầu quấn váy quây. Trong khi đó, ở cung Gyeongbokgung, bảo vệ chỉ đứng nhìn và không cấm.
"Lần sau, tôi sẽ tránh, không tập yoga ở các điểm như thế này", - chị này cho biết.
Sau vụ việc, những hình ảnh chị H. chụp ở Bali (Indonesia), Maldives, Singapore, đảo Nami (Hàn Quốc)… trước đó cũng bị cư dân mạng phản ứng.
"Mỗi người có một sở thích riêng, nên tôn trọng sự khác biệt", chị H. đưa ra quan điểm.