Đã xác định vị trí Yak-130 rơi, phi công kể về giây phút sinh tử

Tính mạng của 2 phi công – vốn quý của Quân đội – được bảo toàn khi họ kịp bung dù thoát nạn trong vụ máy bay quân sự Yak-130 gặp sự cố càng không bung ra dù đã thả càng khẩn cấp ở Bình Đình ngày 6/11.
Sputnik
Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, chia sẻ, khi xác định không thể hạ cánh được, các phi công đã điều khiển máy bay hướng về phía núi rồi nhảy dù. Vị trí nhảy dù cách sân bay Phù Cát khoảng 20km.
Hiện cũng đã khoanh vùng được vị trí máy bay Yak-130 rơi được đài radar ghi nhận lúc phát tín hiệu cuối cùng.

Hành trình tìm kiếm 2 phi công Yak-130

Sáng 7/11, Trường Sĩ quan Không quân (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã có thông tin chi tiết về vụ tai nạn máy bay Yak-130 thuộc Trung đoàn Không quân 940.
Theo đó, vào sáng 6-11, Trung đoàn 940 tổ chức ban bay huấn luyện ban ngày tại sân bay Phù Cát, với máy bay Yak-130, bay bài 208, bay đường dài - không vực - xuyên mây trong điều kiện khí tượng phức tạp.
Ban bay do Thượng tá Nguyễn Tất Thắng, Phó trung đoàn trưởng Quân huấn, Chỉ huy bay chính; Thiếu tá Phạm Văn Năm, Phi đội trưởng Phi đội 1, Chỉ huy cất, hạ cánh.
Điều thần kỳ xảy ra trong vụ rơi tiêm kích Yak-130 ở Bình Định
Thực hiện chuyến bay là Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng, bay buồng lái trước và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay, bay buồng lái sau. Đây là chuyến bay đợt 3, là chuyến thứ hai của phi công buồng trước trong ban bay trong ngày.
Báo cáo của nhà trường cho hay, lúc 9 giờ 42 phút, phi công mở máy và cất cánh lúc 9 giờ 54 phút.
“Sau khi thực hiện xong bài bay vào vòng 3 để hạ cánh, phi công thả càng nhưng càng không ra. Phi công đã xử lý thả càng khẩn cấp nhưng vẫn không được”, Trường Sĩ quan Không quân báo cáo.
Tiếp đó, Chỉ huy bay đã lệnh cho phi công lấy độ cao, thực hiện cơ động tạo quá tải, nhưng càng vẫn không mở.
Đáng chú ý, chỉ huy bay tiếp tục ra lệnh cho phi công bay thông qua để kiểm tra càng và phát hiện càng không mở ra.
Sau đó, Chỉ huy bay lệnh cho phi công lấy độ cao, hướng bay về khu vực nhảy dù thuộc khu vực Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 2 và hai phi công đã nhảy dù lúc 10 giờ 51 phút 5 giây.
Khu vực nhảy dù thuộc thôn Bình Lộc, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Tin mới nhất về 2 phi công nhảy dù vụ rơi Yak-130 rơi ở Bình Định
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ trì, phối hợp với lực lượng của Quân khu 5 và các địa phương khẩn trương tổ chức tìm kiếm cấp cứu mặt đất và trên không.
Bộ phận kỹ thuật của Viettel Bình Định đã kiểm tra lịch sử hoạt động thuê bao của hai phi công, sau đó tiến hành khoanh vùng, xác định khu vực khả năng cao nơi họ đã nhảy dù.
Anh Nguyễn Quang Ẩn, nhân viên kỹ thuật của Viettel Bình Định tại cụm Tây Sơn - Vĩnh Thạnh tham gia cùng đoàn tìm kiếm thông tin cho biết, công tác tìm kiếm gặp khó khăn lớn, vì địa hình khu vực rừng núi phức tạp và có mưa to.
Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ thuật Viettel, các biện pháp nghiệp vụ đã được tăng cường để hỗ trợ xác định vị trí. Cụ thể, đã khoanh vùng những trạm phát sóng gần vị trí hai phi công và tăng công suất trạm BĐH-0126 tại làng Giọt 1, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn lên bốn lần.
Đồng thời, điều chỉnh góc anten để mở rộng vùng phủ sóng lên gấp 5 - 7 lần, đưa mạng 4G phủ tới khu vực đồi núi.
Đến 17 giờ 24 phút, có tin thông báo của đồng chí Phạm Tấn Tiến, Giám đốc Chi nhánh Viettel Bình Định chia sẻ thời điểm, vị trí mở máy điện thoại di động gần nhất của 2 phi công.
Đến 17 giờ 30 phút, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân liên lạc và chia sẻ vị trí tọa độ về đơn vị. Đơn vị thông báo với các lực lượng tìm kiếm về vị trí của đồng chí Quân và tổ chức tiếp cận.
Lúc 19 giờ 25 phút, Đại tá Nguyễn Văn Sơn liên lạc và chia sẻ vị trí tọa độ về đơn vị. Đến 20 giờ 10 phút, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận và cứu hộ thành công Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, tại vị trí thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Rơi máy bay quân sự Yak-130 ở Bình Định: Bộ Quốc phòng Việt Nam thông tin chính thức
Đến 22 giờ 10 phút, tiếp cận và tìm được Đại tá Nguyễn Văn Sơn, cách vị trí tìm thấy đồng chí Quân hơn 1km. Hiện tại, sức khỏe của hai phi công ổn định và đang được chăm sóc tại Bệnh viện Quân y 13, Quân khu 5.
Lúc 4 giờ sáng nay ngày 7/11, các lực lượng, phương tiện đang nghỉ tại Gia Lai xuất phát đi Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk (vị trí định vị cuối cùng máy bay trên vệ tinh) để phối hợp với địa phương tổ chức tìm kiếm máy bay.

Giây phút sinh tử

Sáng 7/11, trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đã cùng ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã đến Bệnh viện quân y 13 (tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định) để thăm hỏi sức khỏe hai phi công trong vụ rơi máy bay quân sự YAK-130.
Đến thời điểm này, sức khỏe của đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 940 (thuộc Trường sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân) và thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay Trung đoàn Không quân 940 đều đã ổn định.
Thượng tá Nguyễn Hồng Quân kể lại, khi nhảy dù thì rơi xuống rừng và bị treo ở trên cây với khoảng cách hơn 10 m so với mặt đất. Sau đó, thượng tá Quân mất khoảng 10 phút để thoát ra khỏi dù và phải bám vào thân cây, cành cây để xuống đất.
Sau khi xuống mặt đất, thượng tá Quân dần định thần trở lại và bắt đầu định vị vị trí mình. Tiếp đó, thượng tá Quân đi tìm nơi có sóng điện thoại để liên lạc về đơn vị báo tin.
Xem Yak 130, Su-27 Việt Nam phô diễn sức mạnh diễn tập bắn đạn thật
“Tôi quyết định leo lên đỉnh núi và lúc này có sóng điện thoại, di chuyển đi lên nữa thì có sóng 4G. Khi liên lạc, tôi gửi vị trí cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn và ở nguyên vị trí đó. Do thời tiết có mưa và gió to nên tôi đã vào vị trí có núi để tránh”, thượng tá Nguyễn Hồng Quân cho biết.

Xác định vị trí máy bay Yak-130 rơi

Trung tướng Phạm Trường Sơn thông tin, hiện các đài ra đa trong khu vực đã xác định được thời điểm máy bay rơi nên có thể xác định được khu vực.
Hiện đã khoanh vùng được máy bay Yak-130 rơi trong lúc hai phi công bay huấn luyện vào trưa qua tại khu rừng ở huyện Ia Pa, Gia Lai. Khu vực này cách sân bay Phù Cát (nơi máy bay xuất phát) ở Bình Định hơn 100 km. Vị trí máy bay rơi được đài radar ghi nhận lúc phương tiện mất tín hiệu cuối cùng.
“Tuy nhiên muốn tìm thấy máy bay phải mất thời gian, do thời tiết mưa lớn, trong rừng rậm nên công tác tìm kiếm gặp khó khăn”, Trung tướng nói.
Ông cho hay, đã có 10 tổ đội gồm các lực lượng của đơn vị Phòng không Không quân, công an, kiểm lâm... đi đường bộ để tiếp cận khu vực máy bay rơi.
Thêm nữa, việc đưa máy bay nặng 5 tấn từ rừng ra ngoài cần phải có máy móc, nghiên cứu phương pháp nên cần nhiều thời gian.
Nuôi quân 3 năm dùng 1 giờ
“Sơ bộ là lỗi kỹ thuật nên máy bay rơi, nhưng muốn xác định chính xác nhất phải tìm được hộp đen để giải mã”, trung tướng Phạm Trường Sơn lưu ý.
Lãnh đạo Trường Sĩ quan Không quân đánh giá, với bản lĩnh, trình độ của 2 phi công cấp 1, với hơn 2.000 giờ bay đã tích lũy được trên 3, 4 loại máy bay, theo lệnh Chỉ huy bay, phi công thực hiện các động tác cơ động phức tạp theo đúng sổ tay xử lý bất trắc, kể cả thả càng khẩn cấp, nhưng càng vẫn không ra.
Phi công đã chấp hành nghiêm lệnh của Chỉ huy bay, lấy hướng bay về khu vực nhảy dù theo quy chế sân bay.
“Bên cạnh đó, phi công còn tập trung quan sát, lựa chọn hướng bay phù hợp, để không ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân, quyết định thực hiện động tác nhảy dù”, Trường sĩ quan Không quân nhấn mạnh.
Mặc dù biết mình sẽ nhảy dù xuống nơi địa hình rừng núi hiểm trở, nhưng với tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường của người cán bộ, giảng viên bay, 2 phi công đã nhanh chóng thống nhất và quyết định cùng nhau thực hiện động tác nhảy dù.
Thảo luận