Tại buổi làm việc, Thành ủy Hải Phòng đã báo cáo Tổng Bí thư về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy, thành phố có 14/20 chỉ tiêu đã đạt chỉ tiêu của Nghị quyết đề ra.
Từ khi có Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị (24/1/2019), giai đoạn 2019-2023, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước (5,16%/năm), gấp 1,74 lần giai đoạn 2014-2018. GRDP bình quân đầu người năm 2023 (theo giá hiện hành) của Hải Phòng đạt 7.960 USD, gấp 1,83 lần 2018, bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Hải Phòng tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, gấp 1,67 lần bình quân chung cả nước; riêng năm 2023 đạt khoảng 104.000 tỷ đồng. Hải Phòng hiện là một trong số 18 địa phương cả nước có đóng góp cho ngân sách Trung ương, với mức đóng góp thuộc nhóm đầu.
9 tháng năm 2024, kinh tế - xã hội cũng phát triển toàn diện, tăng trưởng GRDP tuy chỉ có 9,77% nhưng thu ngân sách và tăng trưởng xuất khẩu đều khá cao (đều tăng gần 30% so với cùng kỳ).
Tại hội nghị, lãnh đạo Thành phố Hải Phòng đã kiến nghị đề xuất về một số nội dung liên quan đến triển khai thực hiện Kết luận số 96-KL/TW, ngày 30/9/2024 của Bộ Chính trị; xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15; đầu tư xây dựng cầu Tân Vũ-Lạch Huyện số 2; thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố Hải Phòng; phát triển huyện đảo Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm kinh tế-quốc phòng; đưa thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực phía Bắc; đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; khởi động đầu tư xây dựng Cảng biển Nam Đồ Sơn; việc lấn biển để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng (sân bay quốc tế Tiên Lãng); phát triển công nghiệp; việc xây mô hình xã hội chủ nghĩa gắn với con người xã hội chủ nghĩa.
Nhất trí với báo cáo của Thành ủy Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong chiều dài lịch sử của dân tộc, Hải Phòng luôn giữ vị trí chiến lược trọng yếu về dựng nước và giữ nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh:
“Hải Phòng cần nỗ lực phấn đấu phát triển thành phố ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á, là thành phố Cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao như các mục tiêu mà Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã đề ra”.
Trước yêu cầu cao của Bộ Chính trị, Hải Phòng phải quy hoạch và lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai; quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Thành phố muốn thành công phải có chiến lược phát triển sáng suốt; bộ máy công quyền xuất sắc và được người dân tin tưởng. Lòng tin của người dân là tài sản và là động lực lớn nhất.
“Hải Phòng cần tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch đô thị, công nghiệp, du lịch, kinh tế biển, quy hoạch hạ tầng ngầm, quy hoạch không gian; kết nối và đồng bộ các loại hình giao thông. Quy hoạch tương lai thành phố cần được mô hình hóa, lấy ý kiến rộng rãi và công khai quy hoạch. Quy hoạch chính là nguồn lực, là tầm nhìn để thành phố trở nên minh bạch trong phát triển và hấp dẫn các nhà đầu tư”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Định hướng quy hoạch thành phố phải là đô thị hiện đại, không gian xanh rộng mở hướng biển, phát triển không gian ven sông thành khu vực kinh tế dịch vụ bền vững, tăng diện tích cây xanh, tăng cường công bằng xã hội thông qua các dự án công cộng ven sông, ven biển, công viên để mọi tầng lớp dân cư đều có quyền tiếp cận; bảo tồn các khu phố cổ, các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng.
Tổng Bí thư lưu ý cần phát huy lợi thế của Hải Phòng là “cửa chính ra biển” đối với cả miền Bắc, quy hoạch xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm kết nối kinh tế và động lực phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả vùng Bắc Bộ.
Hải Phòng cần tập trung xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực. Hải phòng hướng tới là đô thị đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, khuyến khích tăng chi tiêu cho nghiên cứu phát triển, thúc đẩy phát minh sáng chế, bảo hộ tốt quyền tài sản, tạo dựng môi trường sáng tạo và khởi nghiệp hấp dẫn không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực Đông Nam Á.
Muốn làm được điều này, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu:
“Hải Phòng phải phấn đấu trong nhiệm kỳ tới khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh hiện đại hóa; tạo dựng một cách cơ bản, rõ nét các nền tảng vững chắc để trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; cần định hình lại chính sách hỗ trợ đào tạo lao động kỹ thuật cao để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Thành phố cần phải tăng tốc đô thị hóa có chất lượng để tương xứng vai trò và vị thế của một thành phố trực thuộc trung ương và phải chủ động liên kết vùng, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng tốc phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững hơn”.
Cũng trong buổi làm việc, Tổng Bí thư cũng cho ý kiến và đồng tình cao về các kiến nghị chủ yếu về hạ tầng như giao thông, cảng biển, sân bay, năng lượng, khu kinh tế, khu công nghiệp của Thành phố Hải Phòng đồng thời giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp các đề xuất kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo thuận lợi nhất cho Hải Phòng phát triển.