2 giáo sư Việt Nam được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới

Việt Nam vừa có 2 nhà khoa học vinh dự được bầu chọn làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS) - tổ chức thuộc UNESCO và là nơi quy tụ hơn 1.400 nhà khoa học xuất sắc từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Sputnik
Theo đó, GS.TSKH Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM là 2 trong số 74 nhà khoa học trên khắp thế giới được bầu chọn vào TWAS năm nay.

Thành tích xuất sắc của hai giáo sư người Việt

Vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS) đã bầu chọn thêm 74 viện sĩ mới. Đây là số viện sĩ được bầu chọn nhiều nhất trong lịch sử, nâng tổng số thành viên của viện lên 1.444 người.
Trong số 74 viện sĩ vừa được bầu chọn vào TWAS, có 2 nhà khoa học đến từ Việt Nam là GS.TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM.
GS. TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng sinh năm 1965, quê quán ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông được phong học hàm phó giáo sư năm 2006, là tiến sĩ khoa học từ năm 2008 và phó giáo sư của Trường Đại học Tổng hợp Munich năm 2009. Năm 2018, ông nhận học hàm giáo sư.
Việt Nam công bố 589 cá nhân đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm nay
GS. TSKH Nguyễn Thế Hoàng là tác giả chính của hơn 100 công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Ông cũng chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ. Năm 2020, giáo sư Nguyễn Thế Hoàng thực hiện ca ghép tay đầu tiên từ người hiến tặng còn sống.
GS. TSKH Nguyễn Thế Hoàng đã được trao tặng Huân chương Karl Max von Bauernfeind của Đại học Kỹ thuật Munich năm 2008 và Giải thưởng APKO của Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình và Tái tạo Đức năm 2009.
Năm 2012, GS. TSKH Nguyễn Thế Hoàng nhận giải thưởng khoa học danh giá Friedrich Wilhelm Bessel của quỹ hàn lâm khoa học Đức Alexander von Humboldt dành cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, có tính đột phá khoa học.
Năm 2020, giáo sư Hoàng đã thực hiện thành công ca ghép tay đầu tiên từ người hiến tạng sống bằng cách sử dụng phần còn lại của một cánh tay bị cắt cụt không thể cứu vãn. Cho đến nay, vẫn chưa có trường hợp tương tự nào được báo cáo trong tài liệu y khoa thế giới.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai sinh năm 1974, quê ở Quảng Ngãi. Bà tốt nghiệp ngành Hóa học của Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên). Sau đó, bà lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Hóa dược tại Trường Đại học Y Dược Toyama, Nhật Bản. Bà được công nhận phó giáo sư năm 2014, giáo sư năm 2021.
Trong 10 năm đầu sau tiến sĩ, bà Mai chủ yếu tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực phát hiện thuốc từ dược liệu Việt Nam. Gần đây, bà tiếp tục triển khai một số nghiên cứu ứng dụng, hoàn thành 2 sản phẩm hỗ trợ chữa ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước. Đến nay, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã có hơn 80 bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
"Profile khủng" của 3 nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam 2022
Năm 2021, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai được trao giải thưởng Kovalevskaia dành cho nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai là tác giả công trình "Hoạt tính ức chế xanthine oxidase của cây thuốc Việt Nam", nghiên cứu 288 chiết xuất từ 96 loại cây để điều trị bệnh gout. Đây là công trình mang tính tiên phong trong việc kết hợp y học cổ truyền Việt Nam với khoa học hiện đại.
Nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cũng phát hiện ra nhiều hợp chất mới, nguyên liệu để sản xuất thuốc có hiệu lực cao để điều trị bệnh các bệnh gout, tiểu đường, Alzheimer, viêm khớp, loét dạ dày và ung thư.

Vì sự tiến bộ khoa học ở các nước đang phát triển

Trong thư gửi giáo sư Nguyễn Thế Hoàng thông báo về quyết định của TWAS, GS.TS. Quarraisha Abdool Karim – Chủ tịch TWAS cho biết:
"Tôi hân hạnh được thông báo với ông rằng, các thành viên TWAS đã bầu ông làm viện sĩ chính thức của Viện hàn lâm Khoa học thế giới (TWAS) vì sự tiến bộ khoa học ở các nước đang phát triển. Quyết định này có hiệu lực chính thức kể từ ngày 1/1/2025".
GS.TS. Quarraisha Abdool Karim đã gửi đến GS. TSKH Nguyễn Thế Hoàng lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, đồng thời khẳng định TWAS rất vinh dự khi ông trở thành thành viên chính thức của Viện.
"Cuộc bầu chọn lần này là sự khẳng định rõ ràng về những đóng góp nổi bật của ông cho sự nghiệp phát triển khoa học ở các nước đang phát triển", - thư viết.
10 nhà khoa học Việt Nam lọt top nhà khoa học hàng đầu thế giới
Được biết, lễ giới thiệu các thành viên mới của TWAS sẽ được tổ chức tại hội nghị toàn thể tiếp theo của Đại hội đồng, dự kiến diễn ra vào năm 2025.
Viện Hàn lâm Khoa học thế giới là tổ chức phi chính phủ quốc tế thuộc UNESCO, quy tụ hơn 1.400 nhà khoa học xuất sắc từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời đại diện cho khoảng 130 Viện hàn lâm Khoa học trên toàn thế giới, trong đó có Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
TWAS được thành lập năm 1983. Trước năm 2004, Viện có tên là Viện hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba (Third World Academy of Sciences). Hiện nay, TWAS là thành viên liên kết khoa học của Hội đồng Khoa học quốc tế (ISC) và của Hội đồng Quốc tế về khoa học (ICSU) trước đây.
TWAS được Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là Javier Pérez de Cuéllar chính thức công nhận từ năm 1985.
Trong 74 viện sĩ vừa được bầu chọn năm nay, Brazil và Trung Quốc là 2 quốc gia có nhiều viện sỹ mới nhất (10 người), tiếp đó là Ấn Độ (9 người), Malaysia (7 người), Nam Phi (4 người), Bangladesh, Maroc, Pakistan (mỗi nước có 3 người); Việt Nam, Cuba, Ai Cập, Hoa Kỳ (mỗi nước có 2 người).
Thảo luận