Đấu giá đất ở Sóc Sơn như một trò đùa: Trả giá 30 tỷ đồng/m2 rồi xin rút vì sợ quá

Nhiều ý kiến bình luận, đấu giá đất ở Sóc Sơn “như một trò đùa” khi có người trả 30 tỷ đồng/m2 đất rồi vội vàng rút đấu giá vì “sợ quá” và do bản thân mệt mỏi nên viết nhầm.
Sputnik
Đáng nói, sau màn hét giá 30 tỷ đồng/m2 này, có thêm 22 lô đất bị bỏ khách hàng đồng loạt bỏ cuộc. Lãnh đạo huyện cho biết có nhóm đầu cơ tham gia đấu giá để thổi giá bán những lô đất đã mua ở khu vực này. Công an sẽ vào cuộc làm rõ.

Màn trả giá bất thường 30 tỷ đồng/m2 ở Sóc Sơn

Phiên đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến hôm 29/11 gây xôn xao dư luận khi xuất hiện khách hàng trả giá cao bất thường tới 30 tỷ đồng/m2 rồi đồng loạt không trả giá ở vòng tiếp theo và "xin rút" vì những lý do không thể nào ngờ được.
Ngày 30/11, UBND huyện Sóc Sơn đã thông báo về kết quả đấu giá đất và công khai danh tính vị khách trả giá 30 tỷ đồng/m2 tại xã Xuân Thu và xã Quang Tiến.
Trong phiên đấu giá ngày 29/11, các lô đất diện tích 90-224 m2 với giá khởi điểm 2,48 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng/lô (20% tổng giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm).
Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc và khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá. Tuy nhiên, đến vòng thứ 5, một số thửa đất được người tham gia trả giá cao bất thường.
Cụ thể, UBND huyện Sóc Sơn cho hay, ở vòng đấu giá thứ 5, một số thửa đất khách hàng trả giá cao bất thường, trong đó có khách hàng Phạm Ngọc Tuấn (huyện Đông Anh, Hà Nội) trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất (ký hiệu A12, A13 và C6) rồi từ bỏ.
Quốc Oai: Người dân xuyên đêm đấu giá đất, giá trúng cao gấp 4 lần giá khởi điểm
Khách hàng Ngô Văn Dương trả giá 101,4 triệu đồng/m2 cho 13 thửa đất. Khách hàng Nguyễn Thể Quân và Nguyễn Thế Trung trả giá 98,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất.
Khách hàng Nguyễn Thị Quỳnh Liên, Nguyễn Đức Thành trả giá 50,4 triệu đồng/m2, 59,4 triệu đồng/m2, 62,4 triệu đồng/m2, 68,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất (A1, A11, B5, B6, B7, B8, C9, D5, D6, D7). Thế nhưng đến vòng thứ 6 (vòng đấu cuối cùng), có 36 thửa đất khách hàng không tiếp tục trả giá và 22 thửa đất khách hàng trả giá.
Kết thúc phiên đấu giá, có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/m2; cao nhất 50,4 triệu đồng/m2.
Tổng số tiền theo kết quả trúng đấu giá của 22 thửa đất là 112,2 tỷ đồng. 36 thửa đấu giá không thành do tất cả các khách hàng không trả giá ở vòng 6 (vòng đấu cuối cùng).

Xin rút vì “sợ quá”

UBND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) cho biết huyện sẽ báo cáo vấn đề này với cơ quan chức năng.
Hiện huyện đang giao Công an Sóc Sơn vào cuộc điều tra vụ trả đấu giá 30 tỷ đồng/m2 đất rồi xin rút vì "sợ quá" này.
Theo lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, 36 thửa bị 6 khách hàng trả giá cao bất thường rồi bỏ cuộc sẽ phải đấu giá lại.
Ngay sau phiên đấu giá, trả lời báo Dân Trí, một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, đã nắm được thông tin xuất hiện những lô đất được trả tới giá 30 tỷ đồng/m2 nhưng tin rằng, người tham gia trả giá nhầm chứ không thể nào có giá 30 tỷ đồng/m2.
Đáng chú ý, vị lãnh đạo cũng khẳng định phiên đấu giá còn có những lô đất được trả lên tới 90-100 triệu đồng/m2 có thể sẽ bị bỏ cọc bởi, theo giá thị trường tại xã Mai Đình - được đánh giá có vị trí đẹp, giá giao dịch cao nhất cũng chỉ 51-53 triệu đồng/m2.
TP.HCM vừa ban hành kế hoạch đấu giá đất Thủ Thiêm
Chưa kể, có một số nhóm đầu cơ đất tại Sóc Sơn, tham gia đấu giá nhằm thổi giá đất để bán những lô đất đã sở hữu tại khu vực này, theo lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn.
Trả lời báo chí về việc bỏ cuộc dang dở khi đấu giá đất ở Sóc Sơn, nói với báo Người Lao Động, ngày 2/12, khách hàng Phạm Ngọc Tuấn trú tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội), người trả 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất, cho biết trong buổi đấu giá đất anh đã mua nhiều hồ sơ đấu giá.
Khi đấu giá đến vòng thứ 5 "bản thân anh mệt mỏi dẫn đến nhầm lẫn". Lúc đầu viết trong phiếu khoảng 300 triệu sau gạch đi lại nhưng vẫn bị nhầm.
“Tôi sơ ý chỉ viết bằng số mà không viết bằng chữ. Những cái phiếu khác ghi 17 triệu/m2 đến 20 triệu/m2 thì viết đúng, chỉ nhầm 3 lô. Đến bây giờ tôi cũng không nhớ lúc đó là viết bao nhiêu, sau mới biết là nhầm lẫn lên tới 30 tỷ đồng/m2”.
Anh Tuấn cũng khẳng định bản thân không có hành vi phá hoại buổi đấu giá. Cùng với đó, từ khi kết thúc buổi đấu giá đến nay, chưa cơ quan chức năng nào liên hệ để tìm hiểu về vụ việc liên quan đến mình.
Lý do bất ngờ khiến giá trúng đấu giá đất cao kỷ lục
“Chúng ta phải hiểu trả giá là ý chí của con người. Không thể bắt người ta phải trả thấp được. Không thể cấm người ta trả cao. Pháp luật quy định rõ ràng thì hãy tôn trọng quyết định của mỗi cá nhân”, - nam khách hàng nói.

Bị ghen ăn tức ở?

Hôm qua, vị khách hàng trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất ở phiên đấu giá hôm 29/11 tại Sóc Sơn cũng đã có phần trả lời báo chí và gây xôn xao cộng đồng mạng khắp cả nước.
Theo anh Tuấn, đây không phải lần đầu tham gia đấu giá đất, nhưng xưa đấu một vòng giờ 6 vòng, lúc đầu vào chưa hiểu rõ quy định lại thấy mọi người ngồi chật chội trong nhà thi đấu, điều kiện đấu giá khắc nghiệt, phải vượt qua áp lực tâm lý từ môi trường xung quanh, bữa ăn trưa cũng chỉ có mỗi suất bánh mì kẹp giò và sữa, đấu giá từ sáng sớm đến chiều tối nên anh rất mệt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc kiểm tra công tác đấu giá đất hôm nay
Nói về việc hét giá 30 tỷ đồng/m2, anh Tuấn khẳng định lại đây là quyết định xuất phát từ “ý chí cá nhân và tầm nhìn chiến lược của mình” chứ không phải hành động phá hoại, đây là quyền của mỗi người tham gia đấu giá.
“Các quỹ đất rộng 150-200m2 giờ rất hiếm. Tôi muốn sở hữu lô đất hợp với phong thuỷ của bố mình”, - khách hàng Phạm Ngọc Tuấn nói nếu ở vòng 5 không có sự xúc phạm thì sẽ đấu giá ít nhất một lô ở vòng 6.
Khi quyết định đưa ra mức giá này, ông Tuấn cho rằng, bản thân muốn làm điều gì đó cho đất nước, đặc biệt là muốn xây dựng thương hiệu cá nhân.
“Tôi có niềm tin rằng Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, trở thành Dubai, con rồng châu Á”.
Tuy nhiên, sau khi bị áp lực từ phía hội trường, ông Tuấn quyết định không tham gia vòng 6.
Sắp lên quận, Hoài Đức “sốt” đất, dân chen nhau đi đấu giá từ tờ mờ sáng
“Tôi cảm thấy môi trường không phù hợp. Nếu có trúng đấu giá và xây dựng, tôi lo rằng sẽ gặp hàng xóm ghen ăn tức ở. Với cách cư xử thiếu văn minh, tôi nghĩ tốt hơn là dừng lại. Trả giá là quyền của mỗi người, không ai có thể cấm trả cao hay thấp. Tuy nhiên, những áp lực xã hội và thái độ không đúng đắn trong phiên đấu giá đã khiến tôi rất tự ái và buộc phải dừng lại”, - nam khách hàng khẳng định.

Có thể bị xử lý hình sự hay không?

Khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi, bổ sung 2024) nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản:
“Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Hủy kết quả đấu giá tài sản, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá”.
TP.HCM muốn đấu giá lô đất Thủ Thiêm lần thứ 4
Hành vi thông đồng thổi giá đất còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản quy định, người nào thực hiện hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Tuy vậy, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm như Có tổ chức; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại cho người khác 300 triệu đồng trở lên; Phạm tội 2 lần trở lên; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Cũng từ ngày 1/1/2025, nếu trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc sẽ bị cấm đấu giá đến 5 năm.
Thảo luận