Việt Nam cần lưu ý mức thặng dư thương mại với Mỹ khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Bức tranh tươi sáng của kinh tế Việt Nam quý IV/2024
Hôm nay 2/12, Ngân hàng UOB đã công bố dự báo kinh tế Việt Nam quý IV/2024.
Theo đó, nhờ kết quả tăng trưởng GDP trong quý III vượt kỳ vọng, mức tăng trưởng GDP quý cuối cùng của năm 2024 cuối được dự báo đạt 6,4%, tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam đạt mức 6,6%.
Theo UOB, trong quý III/2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam tốt hơn dự kiến, tăng mạnh 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo trung bình của thị trường là 6,1% và dự báo của ngân hàng là 5,7%. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý III/2022, khi các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy do đại dịch.
“Kết quả này đã góp phần nới rộng mức tăng 7,09% (đã điều chỉnh) trong quý II/2024, tạo nên mức tăng tích lũy trong 9 tháng năm 2024 là 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả bất ngờ của quý III/2024 phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế, bất chấp sự tàn phá của cơn bão Yagi”, TTXVN dẫn báo cáo của UOB.
Mặc dù các lĩnh vực chính đều bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (bão Yagi), sản lượng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III/2024 nhìn chung đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái (chậm hơn so với mức 3,6% trong quý II/2024).
Sản lượng sản xuất vẫn tăng tốc 11,4% so với cùng kỳ năm trước từ mức tăng 10,4% trong quý II/2024. Khu vực dịch vụ tăng 7,5% so với cùng kỳ, sau mức tăng 7,1% trong quý II/2024.
Theo cáo dữ liệu được công bố mới nhất, có thể nhận thấy quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam vẫn đang tiếp tục đi đúng hướng.
“Năm 2024, chúng tôi dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 18%, tăng mạnh nhất kể từ năm 2021. Đà tăng trưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục mở rộng với dòng vốn FDI đã đăng ký là 27,3 USD trong 10 tháng năm 2024, cao hơn 2% so với cùng kỳ năm 2023”, báo cáo của UOB nhấn mạnh.
Rủi ro khi Trump quay lại Nhà Trắng
Sang năm 2025, UOB dự đoán tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là 6,6%. Quốc hội Việt Nam đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5 - 7,0% năm 2024 và 6,5 - 7,0% cho năm 2025, đồng thời "nỗ lực" để đạt mức 7,0 - 7,5%.
Tuy nhiên, theo cáo chuyên gia UOB, với việc ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng, khả năng căng thẳng thương mại toàn cầu và các rủi ro có thể sớm xuất hiện.
Một rủi ro chính là các hạn chế thương mại tiềm tàng đối với Việt Nam vì thâm hụt thương mại hàng năm của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng hơn 2,5 lần từ 39,5 USD năm 2018 lên gần 105 tỷ USD năm 2023.
Báo cáo thường niên Earning Insight 2024 do Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện cho biết, tâm lý doanh nghiệp đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 đang ngày càng cải thiện rõ nét.
Tổng giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh thông tin, ADB từng điều chỉnh dự báo GDP của Việt Nam, dự kiến đạt mức 6% năm 2024 và tiếp tục cải thiện lên 6,2% năm 2025.
Ngân hàng Thế giới (WB) thì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,1% vào năm 2024 và tăng lên 6,5% trong năm 2025.
Còn Standard Chartered dự báo, tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam đạt 6,8% (từ mức 6,0%), với đà tăng trưởng chậm lại từ quý III/2024. Ngân hàng này dự báo tăng trưởng quý IV/2024 của Việt Nam sẽ ở mức 6,9%.
Theo Standard Chartered, Việt Nam đã ghi nhận nhiều tháng thặng dư trong năm 2024, trong khi lĩnh vực ngoại thương vẫn tương đối ổn định. Thặng dư thương mại hàng tháng có thể tăng lên 3,8 tỷ USD tháng 10 năm nay (so với 2,3 tỷ USD vào tháng 9 trước đó), góp phần vào chuỗi tháng thặng dư trong năm nay.
“Mặc dù áp lực kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn có thể tồn tại nhưng khả năng hoạt động của nền kinh tế đang tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường. Việc Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn có thể hỗ trợ duy trì mức lãi suất thấp trong tương lai gần”, ông Tim Leelahaphan - chuyên gia về kinh tế Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6% năm 2025, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Việt Nam cần triển khai các chính sách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các chính sách này cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển bền vững.