Bức tượng nhỏ bằng đá cẩm thạch màu trắng với khuôn mặt người phụ nữ đội vương miện hoàng gia được các nhà khảo cổ phát hiện tại địa điểm thành phố Taposiris Magna của Ai Cập cổ đại, dưới bức tường của một ngôi đền. Bức tượng nhỏ gọn lọt trong lòng bàn tay, có thể là mô tả Nữ hoàng Cleopatra VII, nhà cai trị cuối cùng của triều đại Ptolemaic. Người nêu giả định như vậy là nữ học giả Kathleen Martinez lãnh đạo đoàn thám hiểm khảo cổ Ai Cập-Dominican.
Tuy nhiên, giả thiết này đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia. Cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập Zahi Hawass ngờ rằng bức tượng này mô tả Cleopatra. Ông cho rằng niên đại của bức tượng thuộc thời kỳ La Mã, được thực hiện theo phong cách La Mã, không tương ứng với truyền thống của trường phái nghệ thuật Ai Cập là đặc trưng của thời triều đại Ptolemaic.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những hiện vật rất giá trị, bao gồm bức tượng nhà vua đội chiếc mũ «nemes» hay «claft» của hoàng gia Ai Cập cổ đại - một trong những biểu tượng truyền thống về quyền lực của các pharaoh, 337 đồng xu có hình Cleopatra, những chiếc đèn dầu, một nhẫn đồng dành riêng cho nữ thần Hathor và một chiếc bùa hộ mệnh với dòng chữ "Công lý của thần Ra trỗi dậy". Tất cả những hiện vật này là một phần thánh tích nghi lễ, có thể cho thấy tầm quan trọng của địa điểm này ở thời cổ đại.