Chính phủ cũng đặt nhiều kỳ vọng với mục tiêu tăng trưởng phấn đấu GDP đạt 8% cho năm sau.
Top các nền kinh tế lớn nhất châu Á
2 ngày trước trang Seasia Stats đã cung cấp thống kê đồ họa 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á dự kiến cho năm 2025.
Thông tin được Seasia Stats đưa ra dựa trên số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố.
“Khi chúng ta hướng đến năm 2025, châu Á tiếp tục củng cố vị thế trong nhóm các cường quốc kinh tế toàn cầu. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, lục địa này là nơi tập trung một số nền kinh tế lớn nhất và năng động nhất thế giới”, - Seasia Stats bình luận khi công bố bảng 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á năm 2025.
Dưới đây là là bức tranh tổng quan về 15 nền kinh tế hàng đầu châu Á, dự kiến vào năm 2025.
Việt Nam vào top các nền kinh tế lớn nhất châu Á
© Ảnh : Screenshot
Bảng danh sách thể hiện, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất châu Á. Với biên độ đáng kể, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức đáng kinh ngạc là 19.500 tỷ đô la. Sự thống trị này nhấn mạnh vai trò then chốt của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu và phát triển kinh tế trên thế giới hiện nay.
Nhật Bản đứng thứ hai châu Á với nền kinh tế có giá trị 4.400 tỷ đô la. Có thể thấy, Nhật Bản vẫn là một nhân tố chủ chốt trong công nghệ và sản xuất, duy trì vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Á.
Thứ ba là Ấn Độ. Quốc gia đang bám rất sát Nhật Bản, Ấn Độ dự kiến sẽ có nền kinh tế trị giá 4.300 tỷ đô la. Đà tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ được thúc đẩy bởi ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và thị trường tiêu dùng đang mở rộng nhanh chóng.
Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á năm 2025 là Hàn Quốc. Quốc gia nổi tiếng với những tiến bộ về mặt công nghệ và ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế Hàn Quốc dự kiến sẽ đạt 1.900 tỷ đô la năm sau.
Trong top 5 có Indonesia. Đây là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt 1.500 tỷ đô la năm tới và hiện vẫn đang được thúc đẩy bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng.
Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia), đứng thứ 6, với nền kinh tế trị giá 1.100 tỷ đô la. Seasia Stats nhận định, Ả Rập Xê Út tiếp tục tận dụng nguồn tài nguyên dầu mỏ của mình một cách thông minh trong khi vẫn nỗ lực đa dạng hóa sang các lĩnh vực khác nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng.
Đài Loan, với quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 814 tỷ đô la, đứng thứ 7. Đài Loan có nền kinh tế được hỗ trợ bởi ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá hơn nữa.
UAE: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ hướng đến nền kinh tế quy mô 569 tỷ đô la, đồng thời vẫn là trung tâm thương mại và du lịch ở Trung Đông.
Thứ 9 là Singapore, quốc gia vốn nổi tiếng với các dịch vụ tài chính và vị trí chiến lược, nền kinh tế Singapore dự kiến sẽ đạt 562 tỷ đô la năm 2025.
Trong top 10 còn có Thái Lan. Hãng xếp hạng đánh giá, với nền kinh tế đa dạng, Thái Lan dự kiến sẽ đạt 545 tỷ đô la vào năm sau với những động lực tăng trưởng được thúc đẩy bởi du lịch và sản xuất.
Philippines sẽ có nền kinh tế 508 tỷ đô la, được hưởng lợi từ lực lượng lao động trẻ và ngành dịch vụ đang phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam đứng thứ 12. Năm sau, quy mô nền kinh tế dự kiến của Việt Nam sẽ đạt khoảng 506 tỷ đô la.
“Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ vào xu hướng bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài”, - Seasia Stats nhấn mạnh.
Xếp ngay sau Việt Nam là Malaysia. Nền kinh tế có quy đạt khoảng 488 tỷ đô la, quốc gia này được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển thông qua ngành công nghiệp điện tử và dầu cọ.
Bangladesh xếp thứ 14 với quy mô nền kinh tế đạt khoảng 482 tỷ đô và Iran đứng thứ 15 với 464 tỷ đô la.
Việt Nam bứt phá mạnh mẽ
Dự kiến, nền kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng ở mức 7%, thuộc số ít các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu vừa qua, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ tin tưởng, chắc chắn nền kinh tế sẽ có quy mô vài nghìn tỷ USD, tăng gấp 3 -4 lần trong thời gian không xa chứ không phải chỉ trong gần 500 tỷ đô như năm nay.
“Đến năm nay đạt khoảng 470 tỷ đô la, chắn chắn sẽ tăng gấp 3-4 lần trong thời gian không xa”, - ông nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng GDP năm 2024 không những có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng 7% mà có thể đạt mức cao hơn mục tiêu Quốc hội giao.
Theo Thứ trưởng Phương, hầu hết dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 đều tăng so với dự báo hồi đầu năm hay giữa năm. Đây là nhận xét khách quan của các tổ chức quốc tế.
Kịch bản điều hành kinh tế - xã hội Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Chính phủ vào quý III/2024 cho thấy, trong quý cuối năm 2024, nếu không có những biến động lớn xảy ra, như bão, lũ hay những tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta có cơ sở để đạt được mức tăng trưởng 7% năm 2024.
“Rà soát lại tất cả động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm, chúng ta thấy có cơ hội để gia tăng thêm phần tăng trưởng”, - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Tuyên bố này là có cơ sở. Thứ nhất các đơn hàng không những quay trở lại với doanh nghiệp trong năm 2024 mà đến nay, sự gia tăng của xuất khẩu đang ở mức rất tốt và có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn.
Tiếp theo về đầu tư, các nhà đầu tư và các chuyên gia nước ngoài đều đánh giá khi thị trường đầu tư trên thế giới ảm đạm, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có xu hướng tốt.
Động lực từ thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 rất tích cực, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả năm. Bên cạnh đó, những tháng gần đây số lượng doanh nghiệp đăng ký mới gia tăng trở lại. Qua đó, có thể thấy niềm tin và triển vọng kinh tế, cũng như điều hành kinh tế của Chính phủ, của doanh nghiệp và nhà đầu tư không những phục hồi mà còn gia tăng.
Cuối cùng, là động lực tiêu dùng.
“Vào thời điểm cuối năm có những ngành, hàng quan trọng của nước ta có thể tác động đến gia tăng tiêu dùng trong nước. Do đó, có thể tận dụng cơ hội chi tiêu của người dân vào thời điểm lễ Noel, dịp Tết dương lịch”, - Thứ trưởng Phương hy vọng.
Phát biểu mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng kỳ vọng năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và cả giai đoạn 2021-2030.