18 dự án ở Hải Phòng bị Thanh tra Chính phủ nêu tên

Ngày 23/12, Thanh tra Chính phủ công khai kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai; quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng của UBND TP Hải Phòng.
Sputnik
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hạn chế, thiếu sót, vi phạm, của 18 dự án; chủ yếu liên quan công tác quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, cho thuê đất, xác định tiền sử dụng đất. Tại một số dự án, chủ đầu tư thi công khi chưa có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng không đúng quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

18 dự án bị gọi tên

Theo VnExpress, các dự án bị thanh tra nêu tên là Hoàng Huy - Sở Dầu, khu đô thị Hoàng Huy Green River tại huyện Thủy Nguyên, Vũ Yên tại đảo Vũ Yên, cụm công nghiệp thị trấn Yên Lãng, giai đoạn 1 công viên hai đầu cầu Bính, nhà ở xã hội số 39 Lương Khánh Thiện, xây dựng nhà máy phân bón NPK, phát triển nhà ở tại số 80 Hạ Lý, khách sạn quốc tế Đồ Sơn, phát triển khu dân cư tại thị trấn Vĩnh Bảo, xây dựng khu nhà ở tại huyện An Dương, khu công nghiệp MP Đình Vũ, đầu tư tòa nhà Matexim Hải Phòng Plaza, xây dựng làng việt kiều quốc tế tại quận Lê Chân, xây dựng khu nhà ở thương mại tại 85 đường vòng Cầu Niệm, xây dựng khu nhà ở tại quận Hải An, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu dịch vụ cuối tuyến Đình Vũ giai đoạn 1.
Trong 18 dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy có hai dự án bị nêu tên là khu đô thị mới Hoàng Huy Green River và Hoàng Huy - Sở Dầu.
Kết luận thanh tra cho rằng nguyên nhân chính do UBND Hải Phòng không xác định chấm dứt lãi vay khi thực hiện giao đất nhưng sau đó đã có biên bản xác nhận việc hoàn thành thanh toán dự án mà không tính lãi trả chậm theo hợp đồng.
Công bố kết luận thanh tra liên quan đến Cụm công nghiệp Từ Liêm
Cụ thể, Hoàng Huy Green River tại xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên là dự án đổi đất lấy hạ tầng (dự án BT) để xây dựng lại từ chung cư cũ xuống cấp. Tháng 8/2023, UBND Hải Phòng phê duyệt giá đất cụ thể tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả tiền hàng năm cho dự án trên cơ sở chứng thư định giá đất của Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định giá Phú Khang. Tuy nhiên, thanh tra xác định các chứng thư có nhiều thiếu sót.
Chứng thư tính thời gian đầu tư xây dựng của dự án là hai năm là không thống nhất với thời gian đầu tư xây dựng theo chủ trương được phê duyệt (hơn 4 năm). Nội dung này được dùng làm thay đổi cơ sở xác định giá đất.
Khi bị thanh tra, dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng với các hạng mục, công trình phải có giấy phép. Thế nhưng chủ đầu tư đã thi công hạng mục san nền và phần móng một số trục đường giao thông, trái với Luật Xây dựng.
Với Hoàng Huy - Sở Dầu, đây cũng là dự án đối ứng của dự án BT xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp, cho ra đời hai tòa chung cư HH3 và HH4. Tháng 8/2019, UBND Hải Phòng chấp thuận cho Công ty Hoàng Huy là chủ đầu tư xây dựng 16 căn liền kề cao 5 tầng và một tòa nhà cao 37 tầng với 821 căn hộ. Tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý 4/2019 đến quý 4/2024.
Theo cơ quan thanh tra, UBND Hải Phòng phê duyệt điều chỉnh cục bộ khi có một phần đất ở thấp tầng là không phù hợp với quy hoạch chung nhưng đến năm 2023 dự án của Hoàng Huy đã được cập nhật vào quy hoạch chung. Sở Xây dựng thành phố chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng dự án có nội dung về chỉ tiêu bổ sung hơn 1.600 m2 đất giao thông nằm ngoài ranh giới dự án được phê duyệt cũng chưa phù hợp.
Liên quan phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, thanh tra thấy rằng diện tích tính toán một số hạng mục công trình không phù hợp với hồ sơ thiết kế kỹ thuật được Bộ Xây dựng thẩm định; chưa đảm bảo nguyên tắc quản lý chi phí.
Giá thuê của các mẫu tài sản so sánh dùng để tính doanh thu với phần diện tích thương mại cũng không phù hợp với phiếu khảo sát, không có tài liệu chứng minh. Mặt khác, chi phí hạ tầng chưa xem xét đến gần 2.200 m2 do Hoàng Huy cam kết tự bỏ tiền xây dựng, đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND Hải Phòng xác định lại và thu bổ sung về ngân sách tiền sử dụng đất, thuê đất tại các lần giao, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng.
Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND Hải Phòng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

Xây dựng dự án không phép

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy phân bón NPK (ở xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên) do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam làm chủ đầu tư, được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp với công suất 360.000 tấn/năm, tiến độ thực hiện phân làm 2 giai đoạn.
Ngày 4/10/2016, UBND TP Hải Phòng quyết định cho phép Công ty cổ phần GFS Việt Nam thuê đất để xây dựng nhà máy. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất cho doanh nghiệp, hình thức thuê trả tiền hàng năm.
Dự án sau đó được UBND huyện Thủy Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Quy hoạch này phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2050…
Đến thời điểm thanh tra, Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Việt Nam GFS, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất đến hết năm 2023.
Thanh tra Tổng công ty Xây dựng Hà Nội
Tuy nhiên, qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ thấy còn một số hạn chế, thiếu sót như các công trình xây dựng dự án đều không có giấy phép.
Theo cơ quan thanh tra, dự án còn chậm tiến độ, không đạt mục tiêu, hiện đã tạm dừng hoạt động; báo cáo ngày 6/3/2024 thể hiện công ty mới đầu tư dây chuyển, chạy thử với tổng chi phí hơn 14 tỷ đồng (đạt 3,55% tổng mức đầu tư); từ năm 2017 đến nay, dự án dừng hoạt động, không triển khai tiếp (chậm 7 năm theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.
Ngày 14/12/2016, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng chủ đầu tư vì không lưu trữ đầy đủ hồ sơ chất lượng công trình xây dựng dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng trong tháng 11/2023 cũng kiểm tra và xử phạt Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam 85 triệu đồng, do chưa thực hiện đúng tiến độ.
Trái lại, từ 2016 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của Công ty GFS Việt Nam nên không có kiến nghị UBND Thành phố có biện pháp xử lý theo quy định Luật Đất đai.
Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra hạn chế, thiếu sót tại các dự án nêu trên có trách nhiệm của Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng phụ trách lĩnh vực và lãnh đạo các Sở, ngành, cục thuế, lãnh đạo quận, huyện thời kỳ có liên quan.
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP Hải Phòng nhanh chóng khắc phục, tăng cường quản lý vi phạm đất đai; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức, xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
Thảo luận