“Ngành nhạy cảm” nhất của Việt Nam có thể bị Trump nhắm tới

Dù được xem là ngành nhạy cảm nhất trước các mức thuế tiềm ẩn của Tổng thống Trump, tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng thời gian tới của dệt may Việt Nam vẫn hết sức lạc quan.
Sputnik
Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 của Việt Nam ước tính đạt 44 tỷ USD. Các doanh nghiệp dệt may lãi đậm, kín đơn hàng. Bước sang 2025, chuyên gia dự báo, Việt Nam có thể bứt phá xuất khẩu với ngành tỷ đô này.

Việt Nam dự kiến sẽ dẫn đầu về xuất khẩu dệt may năm 2025

Thị trường hồi phục mạnh mẽ từ quý III đã giúp các công ty trong ngành dệt may có kết quả khả quan, nhiều đơn vị đã kín đơn hàng cho quý đầu năm 2025.
Tại báo cáo Triển vọng ngành dệt may năm 2025, các chuyên gia của SSI Research nhìn nhận, năm qua, ngành dệt may đã tăng trưởng 23%, vượt trội hơn so với mức tăng 10% của chỉ số VN-Index nhờ các doanh nghiệp dệt may trong nước ghi nhận kết quả tích cực.
Các doanh nghiệp may mặc trong nước đã góp phần lớn vào kết quả này, được thể hiện qua sự tăng trưởng ấn tượng của các công ty như MSH tăng 49%, TNG tăng 46%, TCM tăng 30% và VGT tăng 23%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất sợi lại ghi nhận kết quả kém khả quan, như STK giảm 5% và ADS giảm 24%.
Đặc biệt, cùng với việc tỷ lệ sản phẩm may mặc không đạt chuẩn chất lượng cao nhất trong năm 2023 hay việc gián đoạn chính trị, SSI Research tin rằng, Việt Nam dự kiến sẽ dẫn đầu về xuất khẩu trong năm 2025 nhờ lợi thế chi phí, tốc độ ra thị trường và kỹ năng, dù gặp thách thức về thuế tiềm ẩn.
Bất ngờ kim ngạch dệt may Việt Nam sang Nga năm 2024
Thực tế, kể từ giữa năm 2024, thị trường dệt may thế giới có dấu hiệu phục hồi khi các ngân hàng trung ương lớn phát tín hiệu cắt giảm lãi suất; việc làm, thu nhập người dân được cải thiện. Tổng cầu dệt may thế giới ước đạt 794 tỷ USD, tăng gần 3% so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 8% so với năm 2022.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) ước tính, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay đạt 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tăng gần 15%, dự kiến đạt khoảng 25 tỷ USD. Xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 7% so với năm ngoái.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chủ lực với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm 2023, chiếm 38% tổng kim ngạch. Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... là các thị trường lớn tiếp theo.

Đơn hàng dồn dập

Theo đánh giá của VITAS, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý I/2025, hiện đang đàm phán đơn hàng cho quý II/2025. Song, do đơn giá vẫn không tăng nên cần cải thiện nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) cũng cho biết ngành may đã cải thiện hiệu quả rõ rệt từ quý III/2024, giúp tất cả các đơn vị không bị lỗ. Trong khi đó, ngành sợi cũng giảm tới 90% lỗ so với năm ngoái 2023, bất chấp những khó khăn kéo dài khiến việc sản xuất chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Theo ước tính của Vinatex, doanh thu hợp nhất năm nay 2024 đạt khoảng 18.100 tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm ngoái. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 740 tỷ đồng, tương đương 137,5% cùng kỳ.
Năm nay, đơn vị kinh tế nhà nước này đặt mục tiêu doanh thu 17.900 tỷ đồng, lãi trước thuế 550 tỷ đồng. Như vậy, Vinatex đã hoàn thành 101% kế hoạch doanh thu và vượt 35% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Nhiều đơn vị chủ lực khác trong tập đoàn cũng ghi nhận kết quả tương tự. Dệt May Hòa Thọ (Mã: HTG) - viên ngọc quý của Vinatex - dự kiến vượt 10% chỉ tiêu doanh thu, giá trị ước đạt 4.950 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế ước đạt 336 tỷ đồng, gần gấp đôi so với hồi năm ngoái, vượt 53% kế hoạch năm. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động, đưa công ty vào nhóm dẫn dầu về tỷ suất sinh lời trên vốn điều lệ trong tập đoàn.
Tổng công ty Phong Phú (Mã: PPH) cũng hoàn thành kế hoạch năm với doanh thu khoảng 2.550 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 352 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 10% so với năm ngoái. Phong Phú đã 5 năm liền dẫn đầu lợi nhuận trong số các công ty thuộc Vinatex.
Doanh thu cả năm của tổng công ty May Hưng Yên ước đạt 675 tỷ đồng, lãi trước thuế 72 tỷ đồng, lần lượt vượt 22% và 31% kế hoạch năm. May Hưng Yên cho biết thêm, công ty đã ký đơn hàng đến tháng 6/2025, giá cơ bản giữ như năm 2024.
Kinh tế Việt Nam xác lập kỷ lục mới
Các doanh nghiệp ngoài tập đoàn đều ghi nhận bước tiến lớn. Theo báo cáo 11 tháng đầu năm, Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Mã: TCM) đạt doanh thu 3.481 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, thực hiện 94% kế hoạch năm.
Lợi nhuận của công ty mẹ ước đạt 263 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với cùng kỳ, sớm vượt 63% kế hoạch năm. Công ty này cũng đã kín đơn hàng cho quý I/2025 và đang tiếp nhận đơn hàng cho quý II.
Thời gian vừa qua, Dệt may TNG (Mã: TNG) đã đưa vào hoạt động thêm 45 dây chuyền sản xuất, qua đó nâng công suất lên 15%, giúp công ty có thể tiếp nhận thêm nhiều đơn hàng mới trong bối cảnh nhu cầu phục hồi mạnh.
Dệt may TNG tự tin đạt doanh thu thuần cả năm 7.900 - 8.000 tỷ, lãi ròng từ 310 tỷ đồng trở lên, tương ứng tăng 13% và 42% so với 2023. Năm 2025, biên lợi nhuận của công ty được kỳ vọng sẽ duy trì tương đương hoặc cải thiện nhẹ so với 2024.

“Ngành nhạy cảm nhất trước các mức thuế tiềm ẩn của Trump”

Sau một năm thắng lợi, ngành dệt may đang kỳ vọng những tín hiệu tích cực sẽ đến trong năm sau 2025, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng lên mức 47-48 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Vinatex, thách thức trong năm 2025 sẽ không ít hơn các năm vừa qua. Kinh tế toàn cầu còn diễn biến khó lường, sự phục hồi của các đối thủ cạnh tranh sau một năm bất ổn có thể sẽ đưa nguồn cung trở lại rất lớn.
Dù vậy, ngành dệt may vẫn còn những điểm sáng trước đà phục hồi mạnh mẽ của các đơn hàng, do đó tập đoàn đặt mục tiêu phấn đấu tăng 6% về doanh thu và 10% về lợi nhuận so với năm 2024.
Riêng ngành sợi Vinatex tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và hợp tác chung trong ban sản xuất kinh doanh, đặc biệt là công tác thị trường và mua nguyên liệu. Nghiên cứu thị trường chuyên sâu (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh) và thị trường nguyên liệu để dự báo.
SSI Research nhận định: “Dệt may là ngành nhạy cảm nhất trước các mức thuế tiềm ẩn của Tổng thống Trump”.
Theo OTEXA, hiện Mỹ chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai về nhập khẩu quần áo vào Mỹ sau Trung Quốc.
Việt Nam giục Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường
Do đó, SSI lưu ý, nhiều khả năng thuế thông minh sẽ được áp dụng để nhắm vào các mất cân đối thương mại.
Mỹ đã chuyển dần nhập khẩu may mặc ra khỏi Trung Quốc nên các thị trường như Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam trở thành các nguồn cung cấp quan trọng. Trong đó, Việt Nam hưởng lợi hơn cả khi sản phẩm Ấn Độ không đạt chất lượng cao và Banglades khủng hoảng chính trị.
Thời gian tới, chuyên gia SSI tin triển vọng tăng trưởng ngành dệt may vẫn tích cực, qua việc các công ty có đơn đặt hàng đến hết quý I/2025 cùng với các đơn đặt hàng trước từ các thương hiệu trước khi có điều chỉnh thuế.
“Chúng tôi cho rằng có nhiều khả năng thuế thông minh sẽ được áp dụng để nhắm vào các mất cân đối thương mại cụ thể. Chúng tôi đánh giá tích cực đối với ngành dệt may sau xu hướng tái định vị chuỗi cung ứng tiếp diễn và khả năng Mỹ đưa sản xuất trở lại trong nước là khá khó khăn. Theo kịch bản cơ sở, chúng tôi cho rằng mức thuế ngành dự kiến áp cho Việt Nam (khoảng từ 10 - 20%) sẽ thấp hơn mức áp cho Trung Quốc”, - các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI lưu ý.
Thảo luận