Việt Nam: Chuyện gì xảy ra với Quy hoạch điện VIII?

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chậm ban hành, Bộ Công thương cho biết, phải điều chỉnh Quy hoạch điện 8 trong bối cảnh việc triển khai quy hoạch gặp nhiều khó khăn.
Sputnik
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công văn nhắc nhở Bộ Công Thương, nêu rõ việc cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đến nay là quá chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng.

Thủ tướng “thúc” Bộ Công Thương

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị liên quan phải sớm hoàn thiện và trình dự thảo rà soát điều chỉnh Quy hoạch điện VIII nhằm đáp ứng yêu cầu mới, đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Ngày 25/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công văn nhắc nhở Bộ Công Thương, trong đó nêu rõ việc nghiên cứu phê duyệt bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đến nay là quá chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải xong trong tháng 4/2024.
Trong công văn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ trình bổ sung cập nhật kế hoạch, xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 25/1/2025.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên được giao rà soát kỹ lưỡng, ký ban hành bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo thẩm quyền trước ngày 30/12/2024 (không được chậm trễ hơn), đảm bảo khách quan, công tâm, không để lợi ích nhóm và xảy ra sai phạm như trước đây.
Việt Nam cần 134 tỷ USD đầu tư các dự án điện theo Quy hoạch Điện VIII
Thủ tướng yêu cầu, ngay sau khi tháo gỡ xong các vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo (154 dự án đang được xem xét giải quyết), Bộ Công Thương cần phải triển khai rà soát nghiên cứu bổ sung, cập nhật ngay vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII (lần 3), đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới.
“Việc rà soát phát triển các nguồn điện phải tính toán kỹ đồng bộ với việc truyền tải điện, phân phối điện giữa các vùng miền, sử dụng hiệu quả và giá điện phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam, cũng như mặt bằng giá ở khu vực, trên thế giới”, - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Lãnh đạo Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời có văn bản đôn đốc đối với những việc quá hạn, báo cáo Thường trực Chính phủ biết và chỉ đạo xử lý kịp thời.

Dự kiến trình dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh trước 28/2/2025

Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức họp rà soát điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, đưa ra các nhiệm vụ sẽ thực hiện và đề xuất các mốc tiến độ (dự kiến) hoàn thành.
Cụ thể, trước ngày 3/1/2025, trình Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, chỉ định đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMC) của đề án.
Trước ngày 5/1/2025, các địa phương, tập đoàn và cơ quan liên quan phải cung cấp thông tin, số liệu cho Bộ Công Thương để tính toán phương án phát triển điện lực. Trước ngày 5/2/2025, Bộ Công Thương/đơn vị tư vấn phải hoàn thành dự thảo lần 1 của đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan.
Trước ngày 10/2/2025, Bộ Công Thương sẽ hiệu chỉnh đề án theo góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, trình Thủ tướng lần 1. Tiếp đó, tổ chức tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện các bước theo quy định và trình Thủ tướng theo đúng chỉ đạo.
Việt Nam duyệt Quy hoạch điện VIII
Bộ Công Thương đã có văn bản hoả tốc số 10698/BCT-DL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO); Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) về việc thu thập số liệu phục vụ tính toán, hoàn thiện đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Nhằm đảm bảo yêu cầu tiến độ rất gấp theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị gửi số liệu về Bộ Công Thương trước ngày 5/1/2025.
Bộ Công Thương dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh trước ngày 28/2/2025.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Bộ Công Thương rất cần có sự đồng tình, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc sớm cung cấp số liệu cập nhật liên quan đến việc thực hiện Quy hoạch điện VIII, cũng như góp ý gửi về Bộ để làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII sao cho phù hợp.

Gặp khó

Theo Bộ Công thương, quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trong bối cảnh việc triển khai quy hoạch gặp nhiều khó khăn. Các dự án nhiệt điện khí LNG (22.400 MW công suất) đang bị đình trệ do khó khăn trong ký kết hợp đồng mua bán điện và cung ứng khí.
Cùng đó, các dự án sử dụng khí trong nước như Báo Vàng, Cá Voi Xanh đối mặt rủi ro lớn về trữ lượng và tiến độ vận hành. Ngoài ra, trong 11 dự án nhiệt điện than, 2 dự án lớn là nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị (1.320 MW) và Sông Hậu II (2.120 MW) đã lần lượt bị dừng triển khai và chấm dứt hợp đồng BOT.
Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam: LNG, điện hạt nhân và “át chủ bài” khí hydrogen
Chưa hết, các dự án điện gió ngoài khơi vẫn vướng mắc về quy hoạch không gian biển, cơ chế giao thí điểm và yêu cầu vốn đầu tư lớn, gây khó khăn trong triển khai. Đặc biệt, Chính phủ đã đề xuất tái khởi động chương trình điện hạt nhân. Đây là hướng đi chiến lược nhằm bổ sung nguồn điện chạy nền, trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện truyền thống ngày càng gặp khó khăn.
Bộ Công thương cho rằng việc chậm trễ trong triển khai các dự án nguồn và lưới điện đang kéo dài tiến độ vận hành, ảnh hưởng đến các mục tiêu cung cấp đủ điện và phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các yêu cầu pháp luật.

Nhiều hệ luỵ do chậm trễ

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, việc chậm có kế hoạch cụ thể để triển khai xây dựng nguồn, lưới điện cho từng năm, giai đoạn ngắn nhất là đến năm 2030 đã dẫn đến việc không có danh mục cụ thể của các dự án, làm chậm quá trình triển khai các dự án điện nguồn quan trọng.
Lý do là vì, trên nguyên tắc, kế hoạch thực hiện phải có danh mục quan trọng ưu tiên đầu tư… để các cấp quản lý nhà nước và nhà đầu tư có cơ sở triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng hay mời gọi đầu tư.
Theo chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch mở, danh mục các dự án nguồn, lưới điện không được liệt kê cụ thể thứ tự thời gian xây dựng và đưa vào vận hành.
Tuy nhiên, thời gian thực hiện, thay vì 10 năm (2021 - 2030), đến khi quy hoạch được ban hành vào tháng 5/2023, chỉ còn hơn 6 năm rưỡi. Sau đó lại mất tiếp 1 năm sau mới có kế hoạch thực hiện (4/2024), và đến nay hết năm 2024 vẫn chưa được cập nhật kế hoạch…, thì chỉ còn hơn 5 năm để triển khai khối lượng công việc cho quy hoạch 10 năm.
Theo chuyên gia, việc phê duyệt cập nhật, bổ sung kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là tiền đề để các địa phương triển khai phát triển điện lực, kịp thời bổ sung nguồn điện có khả năng xây dựng nhanh.
Khi có bất đồng giữa các bên, cần có báo cáo Chính phủ để sớm tìm giải pháp hữu hiệu nhất, thậm chí cần thiết cả giải pháp đột phá. Trước đây, Chính phủ có quan điểm là đưa ngay vào kế hoạch thực hiện những dự án nguồn điện không sai phạm, hoặc đã hoàn thành việc khắc phục sai phạm, đáp ứng công nghệ truyền tải, hiệu quả kinh tế để không lãng phí nguồn lực.
Việt Nam sẽ sửa Luật Năng lượng nguyên tử và chi hàng tỷ đô cho điện hạt nhân
“Tuy nhiên, dường như việc này được tiến hành khá chậm. Thế nên, việc cập nhật kế hoạch, trong thực tế không chỉ trách nhiệm của Bộ Công thương mà còn các đơn vị liên quan, địa phương chậm bổ sung kế hoạch”, - ông Lâm nói.
Chi khi nào có kế hoạch rõ ràng, ưu tiên thế nào, cơ chế ra làm sao… thì nhà đầu tư mới dám đổ tiền vào đầu tư. Việc chậm cập nhật kế hoạch thực hiện, hoặc kế hoạch được ban hành chung chung sẽ khiến cho việc thu hút đầu tư vào nguồn năng lượng sạch tại nhiều địa phương trở nên khó khăn hơn.
“Cơ quan nào, cá nhân nào sai phạm, để việc thực hiện Quy hoạch điện VIII vốn đã được ban hành chậm, nay càng chậm hơn chắc chắn phải bị kiểm điểm làm gương”, - chuyên gia Ngô Đức Lâm kiến nghị.
Mặc dù vậy, ông Lâm cũng cho rằng, Quy hoạch điện VIII là đầy tham vọng nên cũng tạo ra thách thức, áp lực không nhỏ cho ngành. Do đó, việc vào cuộc khẩn trương của một bộ quản lý là chưa đủ, mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc khẩn trương của cả hệ thống chính trị.
Thảo luận