Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương lên kế hoạch làm việc cụ thể với các bên liên quan để phát triển điện năng lượng hạt nhân, lấy điện hạt nhân là quy trình để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
“Không để 1 tỉnh tồn tại 2 nền kinh tế”
Hôm nay tại Nha Trang, Khánh Hoà, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, lần thứ 5.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2024, tốc độ tăng GRDP của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ dự kiến đạt 7,6%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Trong đó, Thanh Hóa và Khánh Hòa là hai tỉnh có mức tăng trưởng 2 con số. GRDP bình quân đầu người của vùng trong năm 2024 ước đạt 85,79 triệu đồng/người, tăng khoảng 10% so với năm 2023.
TP. Đà Nẵng và các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi là những tỉnh có GRDP bình quân đầu người cao hơn bình quân vùng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn các tỉnh đạt trên 237 nghìn tỷ đồng, trong đó có 13/14 địa phương tăng thu.
Điều này cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh của các địa phương trong vùng dần được phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Năm sau, nhiều tỉnh cũng đưa ra mục tiêu tăng trưởng ở mức 2 con số. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam, cho biết, địa phương đã phối hợp phát triển kết nối giao thông, quảng bá sản phẩm, du lịch với 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 2 con số trong thời gian tới.
“Đà Nẵng luôn ý thức rằng để hòa vào kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc”, - ông nói và nhấn mạnh cần phải tạo thêm sự đột phá của quá trình hình thành các cực tăng trưởng, xác định các tọa độ ưu tiên cho tăng trưởng để thu hút đầu tư với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Đặc biệt, không thể để tình trạng "một tỉnh tồn tại hai nền kinh tế" khi các dự án trọng điểm của vùng, quốc gia trên địa bàn tỉnh nhưng không có sự kết nối, lan tỏa đến các hoạt động kinh tế khác trong nội bộ tỉnh hay các địa phương lân cận.
Hoàn thành tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Trong năm 2024 vùng thu hút mới 144 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 3,7 tỷ USD, chiếm 11,83% tổng vốn đăng ký của cả nước.
Thứ trưởng cũng cho biết, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành báo cáo rà soát cơ chế, chính sách đặc thù của 6 Vùng và đề xuất thí điểm 3 chính sách đặc thù của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 26.
Trong đó, có các chính sách cụ thể như hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán; thí điểm hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển; thành lập Quỹ bảo tồn môi trường biển và di sản văn hóa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, từ lâu tỉnh này được xác định là trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nên năng lượng tái tạo là trụ cột số một của tỉnh trong vòng 20 năm tới và xa hơn.
Ông nhấn mạnh, Ninh Thuận được trung ương cho "điểm tựa" là điện hạt nhân thì tương lai chắc chắn tỉnh sẽ phát triển và trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước.
Vị lãnh đạo nhấn mạnh, hiện Ninh Thuận đang dành tất cả cơ hội và điều kiện để triển khai dự án điện hạt nhân, cơ bản cả tỉnh đã đồng tình triển khai dự án. Vì vậy, tỉnh kiến nghị trung ương sớm có cơ chế, ưu tiên đặc thù để triển khai.
Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị trung ương có chiến lược tuyên truyền dự án điện hạt nhân mang tầm quốc gia để người dân trên cả nước hiểu sâu sắc về dự án này, vì đây là dự án cả nước đặc biệt quan tâm.
Theo lãnh đạo tỉnh, điện hạt nhân là cơ chế phát triển du lịch, không phải điện hạt nhân làm mất đi, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển đô thị, phát triển du lịch. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư đến tỉnh Ninh Thuận phát triển du lịch.
Đối với điện hạt nhân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp các địa phương nghiên cứu một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho một số địa phương để đáp ứng được trong tình hình mới như điện hạt nhân tại Ninh Thuận”.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương lên kế hoạch làm việc cụ thể với các bên liên quan để phát triển điện năng lượng hạt nhân, lấy điện hạt nhân là quy trình để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Ông lưu ý, các trung tâm năng lượng phải gắn với hạ tầng năng lượng, vì vậy cần định vị lại ưu tiên, xác định các hệ sinh thái đi kèm các hạng mục này.
Cuộc cách mạng quan trọng
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trong quý 1-2025 phải hoàn thành cuộc cách mạng kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Trong bối cảnh đang tinh gọn hiện nay, hợp nhất các bộ, ngành trung ương thì việc nghiên cứu, hoàn thiện các thiết chế mang tính chất điều phối liên địa phương, điều phối liên ngành hết sức quan trọng.
Ông tin rằng, cuộc cách mạng này sẽ tạo ra thế và lực mới cho vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
“Quan hệ hợp tác giữa các địa phương trong vùng cũng sẽ tốt hơn”, - Phó Thủ tướng tin tưởng.
Nhấn mạnh năm 2025 sẽ là năm đi vào cơ chế tổ chức mới nên Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải đảm báo tính kế thừa và bền vững, Phó Thủ tướng yêu cầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải tận dụng triệt để thế mạnh trong cơ chế chuyển đổi số như hiện nay.
Tập trung nguồn lực thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch vùng; ưu tiên tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng; phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc-Nam, Đông-Tây; cơ cấu lại kinh tế của vùng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn, thương mại, du lịch, logistics, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Ông đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong vùng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025; có giải pháp đồng bộ và khả thi để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tuyến dường ven biển; tăng cường điều phối các hoạt động liên kết phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Về các dự án trọng điểm, điển hình như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết hiện các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cũng đang tích cực chuẩn bị để đẩy nhanh triển khai thực hiện.
Về việc này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng 14 địa phương ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải có chủ trương chung, chủ động đề xuất để tạo mọi điều kiện thực hiện dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sớm nhất.
Các địa phương phải đồng hành cùng Bộ GTV để thực hiện việc mở rộng các nhà ga, phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư, phù hợp với những thành phố lớn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là kết nối mang tính chiến lược.