Tết 2025: Người tiêu dùng Việt lạc quan nhưng cẩn trọng trong chi tiêu

Theo khảo sát mới đây của Decision Lab và Home Credit cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn về Tết 2025. Tuy nhiên, vẫn còn không ít lo lắng về chi tiêu trong dịp này.
Sputnik

Ba tiêu chí sắm Tết

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, các chuyên gia cho rằng xu hướng mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam trong dịp Tết 2025 tiếp tục hướng đến 3 tiêu chí là: tiết kiệm, đơn giản và thiết thực. Chị Đinh Thu Trang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ với Sputnik:

“Gia đình tôi chủ trương ăn Tết Ất Tỵ 2025 tới đây tiết kiệm, thiết thực, đơn giản, dành nhiều thời gian vui chơi cùng các con. Thực phẩm chỉ mua đủ, bánh kẹo và một số đồ Tết tôi sẽ lên các sàn thương mại điện tử như Shopee để mua do có nhiều chương trình Khuyến mại, giảm giá, áp mã”.

Chuỗi triển lãm quốc tế sản phẩm trẻ em và đồ gia dụng tại Tp Hồ Chí Minh
Mặc dù thắt chặt chi tiêu, song theo khảo sát của Decision Lab và Home Credit với hơn 1.000 người tiêu dùng cho thấy, 83% người tham gia cảm thấy tích cực và tràn đầy hy vọng về Tết 2025.

“Tình hình tài chính của các gia đình đang dần hồi phục nhưng chưa bằng mức trước COVID-19, do đó người tiêu dùng có khả năng sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đơn giản hơn bởi nhiều lý do từ tâm lý tiêu dùng, đến tình hình tài chính hộ gia đình, cũng như cách thay đổi trong đón Tết”, một chuyên gia phân tích thị trường nhận định với Sputnik.

Các kết quả này cũng phù hợp với báo cáo "Khảo sát Người tiêu dùng tại Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024" của PwC, trong đó 63% người tiêu dùng dự kiến tăng chi tiêu cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, 52% cho quần áo và 48% cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Điều này cho thấy bên cạnh việc chuẩn bị cho Tết, người dân cũng chú trọng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.
Hàng không Việt liên tục bổ sung máy bay chuẩn bị đón Tết

Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội

Cũng theo kết quả khảo sát của Kantar Việt Nam, trong 4 quý gần đây, tăng trưởng khối lượng FMCG vẫn chưa ghi nhận dấu hiệu tích cực ở cả 2 khu vực (thành thị và nông thôn), tuy nhiên trong thời gian gần đây, tốc độ suy giảm đã chậm lại.

“So với mọi năm, tâm lý mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết 2025 là ưu tiên mua sắm trên sàn thương mại điện tử bởi sự tiện lợi, đa dạng, mặc dù vẫn còn những nỗi lo ngại về vấn đề giao hàng chậm trễ. Người tiêu dùng chú trọng vào hàng hóa và dịch vụ thiết yếu hơn là các mặt hàng xa xỉ, với 63% người được khảo sát cho biết họ đang chú ý nhiều hơn đến giá cả so với năm ngoái”, một chuyên gia phân tích thị trường cho biết.

Tết Âm lịch Ất Tỵ 2025 có thể được nghỉ 9 ngày?
Chính vì xu hướng này, các doanh nghiệp và các nhà bán hàng trên mạng được khuyến cáo đẩy mạnh ngân sách chạy quảng cáo cao hơn 10-30% so với ngày thường.

“Chúng tôi đã chuẩn bị các gói sản phẩm với giá cả hợp lý để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, các chương trình khuyến mãi sẽ được triển khai để hỗ trợ khách hàng trong mùa sắm Tết trên các nền tảng thương mại điện tử và tại cửa hàng”, một chủ doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo tại Hà Nội chia sẻ với Sputnik.

Người tiêu dùng Việt Nam đang thể hiện một tâm lý tích cực về Tết 2025, mặc dù vẫn có những lo lắng về chi tiêu. Xu hướng mua sắm hướng đến sự tiết kiệm và tiện lợi, cho thấy sự thay đổi trong cách nhìn nhận giá trị của Tết.
Thảo luận