"Chính phủ Cộng hòa Chad bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những tuyên bố gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thể hiện sự xem thường đối với châu Phi và người dân châu Phi," hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Koulamallah.
Ông nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo Pháp "cần học cách tôn trọng người dân châu Phi." Ngoài ra, ông cũng nhắc đến vai trò quan trọng của châu Phi và Chad trong việc giải phóng nước Pháp trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Koulamallah chỉ trích rằng sự đóng góp của Pháp tại Chad trong suốt thời gian dài hiện diện tại quốc gia này "thường chỉ giới hạn ở lợi ích chiến lược của Pháp, mà không để lại ảnh hưởng lâu dài đáng kể nào đối với sự phát triển của người dân Chad."
Căng thẳng gia tăng trong quan hệ Pháp-châu Phi
Những năm gần đây, Pháp buộc phải rút quân khỏi một số quốc gia châu Phi. Năm 2022, quân đội Pháp đã rút khỏi Mali sau khi tham gia chiến dịch chống khủng bố "Barkhane" từ năm 2014 tại khu vực Sahel. Tháng 3/2023, Burkina Faso tuyên bố hủy bỏ hiệp ước hỗ trợ quân sự với Pháp, yêu cầu các lực lượng Pháp rời khỏi lãnh thổ. Tại Niger, sau cuộc đảo chính năm 2023, chính quyền mới đã yêu cầu trục xuất đại sứ Pháp và chấm dứt các thỏa thuận quân sự, hoàn tất việc rút quân Pháp vào ngày 22/12.
Cuối năm 2024, chính phủ Chad cũng thông báo hủy bỏ thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Pháp và yêu cầu rút lực lượng Pháp khỏi nước này. Nhóm lính Pháp đầu tiên gồm 120 người đã rời Chad vào cuối tháng 12.
Pháp giảm hiện diện quân sự tại châu Phi
Hiện tại, Pháp duy trì bốn căn cứ quân sự tại châu Phi. Lớn nhất là căn cứ tại Abidjan, thủ đô Côte d'Ivoire, với 950 binh sĩ. Senegal và Gabon mỗi nơi có khoảng 350 binh sĩ.
Vào cuối tháng 1/2024, tờ Le Monde đưa tin rằng Pháp có kế hoạch cắt giảm mạnh lực lượng quân sự tại Gabon, Senegal và Côte d'Ivoire. Theo kế hoạch, số lượng binh sĩ Pháp tại các quốc gia này sẽ giảm xuống còn khoảng 100 người ở mỗi nơi, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng vũ trang quốc gia.