"Tôi, Donald J. Trump, Tổng thống Hoa Kỳ, xác định rằng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), được thành lập theo Quy chế Rome, đã có hành vi phi pháp và không có căn cứ chống lại Hoa Kỳ và đồng minh thân cận nhất của chúng tôi là Israel", - tài liệu do Nhà Trắng công bố có đoạn viết.
Sắc lệnh lưu ý rằng Hoa Kỳ sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt đối với những người chịu trách nhiệm về "các hành vi vi phạm của ICC". Một số biện pháp này bao gồm phong tỏa tài sản, bất động sản và cấm các thành viên ICC và gia đình họ nhập cảnh vào Mỹ.
Trong sắc lệnh vừa ký, ông Trump tuyên bố rằng bất kỳ nỗ lực nào của ICC nhằm điều tra, bắt giữ, giam giữ hoặc truy tố công dân Hoa Kỳ hoặc đồng minh của Hoa Kỳ đều cấu thành "mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại".
Vào cuối tháng 1, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã chặn một dự luật đã được Hạ viện thông qua, trong đó có nội dung áp đặt lệnh trừng phạt đối với ICC vì hành vi điều tra, bắt giữ, giam giữ hoặc truy tố công dân Mỹ hoặc các quan chức từ các quốc gia đồng minh, bao gồm Israel, cũng như Nhật Bản, các thành viên NATO, các đối tác của Washington bên ngoài liên minh và Đài Loan.
Vào cuối tháng 11/2024 ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Dải Gaza.
Quyền tài phán của ICC không được các quốc gia có tổng cộng hơn một nửa dân số thế giới công nhận. Trong số đó có Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Belarus, Ai Cập, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Ả Rập Saudi. Quy chế Rome được 137 quốc gia ký kết, nhưng văn bản này chỉ được 124 quốc gia phê chuẩn.