Đại tướng Phan Văn Giang nói về sắp xếp, tổ chức lại Quân đội

Theo Đại tướng Phan Văn Giang, đến nay, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại.
Sputnik
Bộ Quốc phòng đang tiếp tục tính toán rất cẩn thận, kỹ lưỡng, nghiên cứu tổng hợp cả về lịch sử chiến tranh Việt Nam và các phương thức chiến tranh hiện nay các nước trên thế giới đang sử dụng, để báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định về tổ chức Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam cho thật phù hợp trong thời gian tới.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cơ bản đã hoàn thành sắp xếp tinh gọn

Ngày 13/2, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ trong đó có nội dung về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Cho ý kiến tại phiên họp tổ 7, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu, việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy được thực hiện trên cơ sở Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18 được triển khai thực hiện trong 7 năm qua, năm nay đã bước sang năm thứ 8.
Bộ trưởng Phan Văn Giang vào miền Nam gặp cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu
“Trước đây, chúng ta thực hiện chưa thực sự quyết liệt. Thời điểm này, chúng ta thực hiện quyết liệt hơn. Như vậy, việc thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị mà chúng ta đang thực hiện là trên cơ sở nghị quyết của Trung ương Đảng, chứ không phải chưa có nghị quyết nào về vấn đề này”, - báo Quân đội nhân dân dẫn phát biểu của Đại tướng.
Về phía mình, người đứng đầu Bộ Quốc phòng cho rằng, lực lượng vũ trang có tính chất rất đặc thù, nên việc sắp xếp lại phải theo đề án riêng.
“Đến nay, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại”, - Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định.

Bộ Quốc phòng tính toán rất cẩn thận, kỹ lưỡng

Trong đó, Bộ Công an sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương theo hướng "tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở", không tổ chức công an cấp huyện.
Bộ Quốc phòng đang tổng kết thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Kết quả tổng kết cho thấy, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị sớm 1 năm.
Nghị quyết giao nhiệm vụ đến năm 2025 cơ bản hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh.
Đến nay, Bộ Quốc phòng đã sáp nhập các đơn vị, hoàn thành tất cả các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 05-NQ/TW và Nghị định số 01/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết.
Đại tướng Phan Văn Giang đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội
Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh: “Bộ Quốc phòng đang tiếp tục tính toán rất cẩn thận, kỹ lưỡng dựa trên kết quả nghiên cứu tổng hợp cả về lịch sử chiến tranh của đất nước, những thuận lợi, khó khăn của nước ta hiện nay, cũng như phương pháp chiến tranh mà các nước trên thế giới đang áp dụng để báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định về tổ chức Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam cho phù hợp trong thời gian tới”.
Đúng như vậy, trong các ngày 11 và 12/2, khi làm việc với Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Phan Văn Giang đều quán triệt tinh thần toàn quân thực hiện chủ đề “Năm cơ bản hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh”, yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Trong đó, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục điều chỉnh tổ chức lực lượng tinh, gọn, mạnh theo Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230 của Quân ủy Trung ương; tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, tuyển dụng, tuyển chọn tuyển sinh, chiêu sinh đào tạo chặt chẽ, chất lượng.
Toàn quân duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa và không gian mạng, kịp thời tham mưu, xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động bất ngờ; phối hợp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cả nước, bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của Quân đội.
Thảo luận