Theo đó, trong số ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương có không quá một phần ba là ủy viên Trung ương. Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm Chủ nhiệm và các Phó chủ nhiệm. Số lượng Phó chủ nhiệm do Bộ Chính trị quyết định.
Quy định mới cũng xác định Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương có từ 9 đến 11 ủy viên.
Riêng Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Chính phủ có từ 11 đến 13 ủy viên, gồm một số ủy viên kiêm nhiệm và chuyên trách. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra là Phó bí thư hoặc ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy kiêm nhiệm.
Một nội dung đáng chú ý khác của Quy định 262 là bổ sung thêm quy định về thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập.
Theo đó, đối tượng kiểm soát tài sản, thu nhập với đảng viên là cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cùng cấp quản lý (không phải là bí thư, phó bí thư cùng cấp) và đảng viên có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập công tác trong các cơ quan đảng cùng cấp và cấp dưới theo quy định.
Nội dung kiểm soát là tài sản, thu nhập của đảng viên kê khai và của người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản, thu nhập của đảng viên (vợ hoặc chồng, con chưa thành niên).
Đối với thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập thì ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp huyện trở lên có thẩm quyền quyết định xác minh tài sản, thu nhập của đảng viên thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cùng cấp quản lý và đảng viên có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập công tác trong các cơ quan đảng cùng cấp và cấp dưới theo quy định.
Cơ quan này xác minh về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai tài sản, thu nhập; nguồn gốc, biến động tài sản, thu nhập của đảng viên và người có quyền, nghĩa vụ liên quan (vợ hoặc chồng, con chưa thành niên của đảng viên).
Đồng thời kết luận về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai tài sản, thu nhập và nguồn gốc, biến động tài sản, thu nhập...
Quy định mới cũng sửa một nội dung về hiệu lực quyết định kỷ luật. Cụ thể quyết định kỷ luật, quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên vi phạm phải được giao cho tổ chức đảng và đảng viên vi phạm để chấp hành. Nếu cần thông báo rộng hơn thì do cấp ủy hoặc tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật đối với đảng viên quyết định.
Thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại kỷ luật cũng được sửa đổi bổ sung. Cụ thể, đối với các hình thức kỷ luật do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thì Ban Chấp hành Trung ương là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng.