Ngày 2-2 tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 7 đã tổ chức hội nghị tham gia ý kiến dự thảo Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương, cho biết Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cách đây 20 năm (năm 1997) với những điều kiện thực tiễn khác với giai đoạn hiện nay.
"Thực tiễn cho thấy, bộ máy các cấp đang có sự chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu quả. Trước tình hình mới, đòi hỏi Đảng ta phải sớm có nghị quyết mới về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là nhiệm vụ khó và đặc biệt quan trọng. Cần tạo ra cách làm mới, đột phá, khả thi, tạo sự lan tỏa và sức ảnh hưởng lớn nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách trong bối cảnh tình hình có nhiều thay đổi"- ông Chính nói.
"Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải thay đổi như thế nào cho hiệu quả? Chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì từ thực tiễn 20 năm qua? Cần đánh giá đầy đủ những gì làm được, chưa làm được, nguyên nhân của công tác này để có giải pháp phù hợp"- ông Chính nói và cho rằng, nếu xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược tốt thì sẽ giúp cho việc xây dựng cán bộ cấp dưới sẽ tốt.
"Nếu cán bộ hư hỏng, xấu hết cả thì chúng ta không được đất nước như hiện nay và ngược lại. Nhưng nếu đội ngũ cán bộ này tốt hơn thì đất nước tốt hơn nữa"- ông Chính nói tiếp.Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng, vừa rồi chúng ta kiểm soát quyền lực không tốt, cho nên xảy ra nhiều vấn đề.
"Giao cho người tốt thì không sao nhưng người không tốt thì người ta cho đấy là quyền lực của mình, rồi mang ra ban phát, xin cho, thỏa thuận…"- ông Chính nói.Theo ông Chính, quyền lực nhà nước giao cho cán bộ để đại diện cho nhà nước, cho nhân dân thì lại biến thành của cá nhân thực hiện ý đồ riêng.
"Cái này tuy không phổ biến nhưng rõ ràng chúng ta đang có vấn đề về kiểm soát quyền lực"- ông Chính đánh giá và cho rằng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhưng cũng phải mở rộng ra để có không gian phát triển, sáng tạo. Từ đó, ông Phạm Minh Chính đề nghị bí thư các tỉnh ủy, thành ủy tại khu vực phía Nam cần tập trung thảo luận thẳng thắn, chú trọng nhấn mạnh quan điểm với những vấn đề cụ thể như: chống suy thoái, nạn chạy chức, chạy quyền, đẩy lùi những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng…Nội dung cần tập trung thảo luận nữa là cơ chế trong việc bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; giải pháp đột phá trong tuyển dụng nhân tài; đóng góp ý tưởng đổi mới, trên cơ sở đó cụ thể hóa thành giải pháp để tạo nên chuyển biến tích cực.
"Đây sẽ là cơ sở để Trung ương căn cứ, xem xét, ban hành Nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đề án tới đây của Trung ương phải sửa được những bất cập, hạn chế hiện nay trong công tác cán bộ"- ông Chính quả quyết.
"Chúng ta thiếu tự giác, cơ chế kiểm soát chưa có, phân cấp quản lý cán bộ chưa đủ mạnh, chưa rõ ràng. Trách nhiệm tập thể là chính còn cá nhân và người đứng đầu chưa cụ thể và thiếu minh bạch"- ông Cang nói.
Ông Cang cho biết thêm, công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy, cấp trên đối với cơ quan đơn vị làm công tác cán bộ chưa vào nề nếp từ đó nảy sinh cơ chế xin cho, chạy chức chạy quyền.Từ đó, ông Cang đề nghị cần có thêm cơ chế khen thưởng, xử phạt công minh đối với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người phụ trách đương nhiệm trong việc tiến cử người kế thừa.
"Bây giờ anh tiến cử người đó thì anh phải có trách nhiệm với người đó. Nếu trong nhiệm kỳ người được tiến cử đó tốt cũng phải được xem xét khen thưởng… Nhưng ngược lại người được tiến cử đó thể hiện năng lực không được, có chuyện thì xử lý người tiến cử đó như thế nào? Chứ không thể đổ cho tập thể"- ông Cang nói.
Nguồn: Pháp Luật TP.HCM