Lực cầu bắt đầu tăng mạnh vào nửa cuối phiên chiều với lượng tiền đổ vào thị trường lên tới hơn 15.000 tỷ đồng, khiến hầu hết cổ phiếu trở lại mức giá đỏ hoặc tham chiếu. Thanh khoản cao gấp đôi so với phiên hôm qua và vượt khoảng 70% so với trung bình trước đó.
Tuy nhiên, dòng tiền không dàn đều ra toàn thị trường mà tập trung vào một số mã cổ phiếu nhất định, độ rộng vẫn nghiêng hoàn toàn về bên bán.
Cuối phiên giao dịch, sàn HoSE vẫn có tới 262 mã giảm giá, 28 mã giữ tham chiếu và chỉ có 45 mã cổ phiếu giữ được sắc xanh. Riêng trong rổ VN30, đại diện cho 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, chỉ có 4 cổ phiếu tăng, trong khi số cổ phiếu giảm gấp 6 lần với 9 mã cổ phiếu giảm sàn. Những mã bluechip như BID, BVH, GAS, PLX hay VJC vẫn "trắng bảng bên mua" ở thời điểm cuối phiên.
Bán tháo ồ ạt
"Giẫm đạp lên nhau mà chạy" là câu nói được nhắc nhiều nhất hiện giờ trên các diễn đàn về chứng khoán sáng nay (6/2). Không nằm ngoài dự đoán của một số chuyên gia, trạng thái tiêu cực tiếp tục diễn ra ngay trong đầu phiên sáng khi nhà đầu tư quyết tâm bán bằng mọi giá.
Dù tiền từ nhà đầu tư liên tục đổ vào thị trường để bắt đáy tạo ra vài nhịp hồi nhẹ trong phiên, song lực bán quá lớn khiến đà giảm không thể thu hẹp. Chốt phiên sáng ngày 6/2, VN-Index giảm gần 62 điểm, tương đương gần 6%, còn 987 điểm, trên sàn Hà Nội HNX-Index mất gần 7% còn UPCOM-Index giảm 5,25%.
Thanh khoản của thị trường đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 40% so với ngày hôm qua, với các lệnh mua lớn quét tại mức giá sàn của một số cổ phiếu bluchip. Tuy nhiên, lực bán sau đó gia tăng đã ép nhiều cổ phiếu trở lại tình trạng "trắng bảng bên mua". Thị trường thể hiện sự chênh lệch rõ ràng khi chỉ có 64 mã tăng giá nhưng có tới 614 mã giảm giá, hơn 200 mã cổ phiếu giảm sàn.
Sau 15 phút mở cửa thị trường, VN-Index đã ghi nhận mức giảm gần 6%, tương đương 62,3 điểm xuống còn 966,41 điểm. VN30-Index, đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm tương đương xuống còn 972,58 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm gần 6% còn 112 điểm.
Vốn hóa của sàn HoSE chốt phiên hôm qua (5/2) là 2,84 triệu tỷ, đến đầu giờ sáng nay đã bốc hơi 170.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6%. Sàn HNX và UPCoM mất lần lượt 6,6% và 5% giá trị vốn hóa. Tổng thị trường đã giảm hơn 218.000 tỷ đồng tính tới 9h40 sáng nay.
Ngày 5/2 đã đi vào lịch sử thị trường chứng khoán khi ghi nhận phiên giao dịch giảm nhiều điểm nhất từ trước đến nay. Đồng thời, phiên hôm nay cũng là phiên giao dịch ghi nhận mức vốn hóa thị trường "bốc hơi" lớn nhất.
Trên toàn cầu, chứng khoán sáng 6/2 cũng bị bán tháo, khắp các sàn Mỹ, châu Âu, Á đều đỏ rực, đặc biệt sau khi có dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhanh hơn kỳ vọng.
Trao đổi với VnExpress chiều 5/2, ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng đà giảm mạnh có thể sẽ tiếp tục tái diễn trong phiên 6/2 khi các công ty chứng khoán bán cổ phiếu thu hồi khoản vay (call margin) của nhà đầu tư.
Trong bản tin chiều tối qua, nhiều công ty chứng khoán đã khuyến nghị nhà đầu tư nên cẩn trọng tham gia thị trường lúc này khi rủi ro đang lên rất cao.
Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV nhận định thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong những phiên sắp tới khi mà tâm lý chung các nhà đầu tư đang rất hoang mang. Công ty chứng khoán Bảo Việt đánh giá áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường dự kiến vẫn sẽ tiếp tục duy trì trong các phiên sắp tới, khiến rủi ro điều chỉnh của thị trường chung ở mức cao.
Thị trường không còn điểm để nhà đầu tư bấu víu khi ngay trong nhóm VN30, tất cả 30 cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ với 7 mã giảm sàn. Một loạt cái tên lớn trên thị trường như Bảo Việt, VietinBank hay Masan đều ở tình trạng "trắng bảng bên mua".
Thanh khoản thị trường chỉ ở ngưỡng 2.000 tỷ đồng sau những phút mở cửa phần nào cho thấy tâm lý thận trọng. "Nhà đầu tư sẽ không quyết định xuống tiền nếu biết thị trường sẽ còn tiếp tục giảm, trong khi người bán vẫn đang quyết tâm bán bằng mọi giá", một chuyên gia nhận định.
Theo Vnexpress