Khó khăn khi áp thuế
Giữa năm 2014, Công ty TNHH Uber BV (Hà Lan) đăng ký hoạt động tại Việt Nam, kinh doanh dịch vụ thông qua ứng dụng tin học để kết nối các lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách. Năm 2017, Uber được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép thí điểm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa. Tổng cục Thuế cho biết, Uber BV kết nối lái xe và khách hàng bằng ứng dụng công nghệ, cung cấp dịch vụ vận chuyển. Việc xác định giá vé cước vận chuyển do Uber quyết định và sẽ thông báo cho các lái xe và khách hàng. Phí dịch vụ các bên được hưởng (Uber và các lái xe) theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá vé cước vận chuyển cũng do Uber quyết định và bảo lưu quyền thay đổi tùy ý phí dịch vụ bất kỳ lúc nào (hiện nay Uber nhận 20%, các lái xe nhận 80%).
Cũng giống như Uber, GrabTa-xi là công ty khởi nghiệp tại Ðông-Nam Á, cung cấp các giải pháp "vận tải thông minh", giúp kết nối hành khách với đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải thông qua nền tảng đặt xe và điều động xe tự động trên điện thoại thông minh. GrabTa-xi hiện hoạt động tại 55 thành phố ở bảy quốc gia Ðông-Nam Á (Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Xin-ga-po, Việt Nam và Mi-an-ma). Tháng 1-2016, Bộ GTVT cho phép Grab thí điểm ứng dụng "ta-xi công nghệ" tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh với số lượng 6.860 xe.
Về chính sách thuế đối với Uber BV, căn cứ các luật thuế và văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tài chính cho rằng, Uber BV không đáp ứng điều kiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí, thực nộp thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu được hưởng (tỷ lệ tính thuế GTGT trên doanh thu là 3%, tỷ lệ tính thuế TNDN trên doanh thu 2%). Công ty TNHH Uber Việt Nam hoặc tổ chức được Uber BV Hà Lan ủy quyền có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Với việc lập hóa đơn ghi nhận doanh thu tính thuế, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải có nghĩa vụ lập hóa đơn cho hành khách theo quy định của pháp luật. Doanh thu tính thuế được ghi nhận trên hóa đơn là cước vận chuyển thực tế do khách hàng thanh toán sau mỗi chuyến đi (toàn bộ doanh thu).
Vừa qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh thanh tra thuế đối với Uber. Số thuế DN tự khai, tự nộp năm 2014 là 214 triệu đồng, năm 2015 là 1,7 tỷ đồng, năm 2016 là 7,7 tỷ đồng, sáu tháng đầu năm 2017 là 6,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, thanh tra thuế đã xử lý số thu thực tế, theo đó tổng số thuế năm 2014 là 214 triệu đồng, năm 2015 là 2,8 tỷ đồng, năm 2016 là 13 tỷ đồng, sáu tháng đầu năm 2017 là 11,3 tỷ đồng. Tổng số thuế phải nộp qua thanh tra năm 2014 là 2,5 tỷ đồng, năm 2015 là 13 tỷ đồng, năm 2016 là 60 tỷ đồng, sáu tháng đầu năm 2017 là 57,2 tỷ đồng. Chênh lệch thuế phải nộp so với kê khai năm 2014 là 2,3 tỷ đồng, năm 2015 là 11,2 tỷ đồng, năm 2016 là 33,5 tỷ đồng và sáu tháng đầu năm 2017 là 4,5 tỷ đồng. Tổng hợp truy thu và phạt qua thanh tra đối với DN này là 66,6 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT khấu trừ nộp thay là 26,3 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay là 14,7 tỷ đồng, phạt 20% số tiền thuế thiếu đối với hành vi khai sai là 10,3 tỷ đồng.
Cần khung pháp lý để quản lý thuế
Trong việc miễn thuế TNDN nhà thầu nước ngoài đối với phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam, Uber cho rằng Uber là một công ty công nghệ từ ngoài Việt Nam, chỉ cung cấp dịch vụ cho các đối tác lái xe, không có hiện diện pháp lý hay hiện diện thực tế tại Việt Nam, không hình thành cơ sở thường trú tại Việt Nam, do đó được miễn giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được ký giữa Hà Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho biết, Uber có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua việc điều hành cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng thông qua ứng dụng, bố trí các lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng, quyết định đơn giá vận chuyển,… do đó có thể xác định, thu nhập của Uber phát sinh từ Việt Nam là thông qua các đối tác lái xe tại Việt Nam, thời gian hơn sáu tháng trong một năm liên tục. Căn cứ Hiệp định tránh đánh thuế giữa Việt Nam và Hà Lan, Uber BV có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua các cơ sở thường trú tại Việt Nam, do đó thu nhập của Uber BV phát sinh tại Việt Nam không được miễn giảm thuế. Ðến hết năm 2017, Uber BV đã nộp 0,5 tỷ đồng thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp vào NSNN số tiền thuế TNDN; 2,1 tỷ đồng tiền phạt; 711 triệu đồng tiền chậm nộp. Còn kết quả thanh tra thuế tại GrabTaxi Việt Nam cho biết, đã xử lý vi phạm gần ba tỷ đồng qua thanh tra.
Ðối với việc xác định hoạt động kinh doanh của hai công ty trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Ðại Trí cho biết, các Hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh ta-xi Mai Linh, Vinasun,… cũng như tại các cuộc đối thoại do Bộ GTVT tổ chức, các Hiệp hội ta-xi (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng) đều thống nhất kiến nghị Bộ GTVT cần xác định mô hình hoạt động kinh doanh của Uber, Grab là mô hình kinh doanh dịch vụ vận tải (tương tự ta-xi). Tuy nhiên, đến nay, dù sau hai năm triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng hai dịch vụ vận chuyển mới này đều chưa được định danh rõ ràng. Cuối năm 2017, Bộ GTVT cũng cho rằng, bản chất của Uber, Grab là xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (được các Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định) ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản (bản giấy) chứ không phải là loại hình ta-xi. Chính vì vậy, trên cơ sở kinh nghiệm một số nước trên thế giới, tổng kết thực tiễn đề án thí điểm và các kiến nghị liên quan, Chính phủ đã chấp thuận cho phép tiếp tục kéo dài hoạt động thời gian thí điểm cho đến khi nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NÐ-CP về kinh doanh vận tải có hiệu lực; đồng thời giao các địa phương quyết định số lượng phương tiện tham gia thí điểm. Bộ GTVT chủ trì, phối hợp nghiên cứu về loại hình vận tải để đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải, phù hợp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cũng do chưa thể định danh rõ dịch vụ mới mẻ này, cơ quan thuế chưa thể chính thức ban hành hành lang pháp lý để quản lý thuế, nhưng các nghiên cứu mang tính đón đầu đã được khởi thảo. Theo quan điểm của Bộ Tài chính, Uber, Grab không đăng ký kinh doanh vận tải nhưng bản chất lại là dịch vụ vận tải, kiến nghị Bộ GTVT tham khảo bản án của Tòa Công lý châu Âu (ECJ) của Liên hiệp châu Âu (EU) mới đây, khi phán quyết Uber là một công ty vận tải thông thường, thay vì một ứng dụng công nghệ. Bộ GTVT cần nghiên cứu để quản lý chặt chẽ và phù hợp trong quá trình triển khai, thúc đẩy sự phát triển phục vụ con người tốt hơn.
Nguồn: nhandan