Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, hai bên dự kiến sẽ thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm cả đối thoại chính trị, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, kỹ thuật-quân sự và nhân văn.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 20-3 theo lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Theo Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, trong chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov dự kiến sẽ tiến hành hội đàm với Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và có một số cuộc gặp gỡ khác với ban lãnh đạo Việt Nam.
Trong các cuộc tiếp xúc sắp tới, hai bên dự kiến sẽ thảo luận về hiện trạng và triển vọng trong việc tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga, bao gồm cả đối thoại chính trị, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, kỹ thuật-quân sự và nhân văn.
Dự kiến sau hội đàm, hai bên sẽ ký kết Kế hoạch hợp tác giữa bộ ngoại giao hai nước trong giai đoạn 2019-2020.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov được tiến hành ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Sergei Shoigu từ ngày 22 đến 23-1 theo lời mời của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trong chuyến thăm này, hai bên nhận thấy quan hệ quốc phòng song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Cùng với sự phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ hợp tác quốc phòng song phương được mở rộng và củng cố cả về hình thức lẫn nội dung, trong đó có trao đổi đoàn các cấp, hợp tác kỹ thuật quân sự, hải quân, gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, trao đổi kinh nghiệm về pháp luật quân sự, lịch sử quân sự, quân y, văn hóa nghệ thuật, thể thao quân sự.
Hai bên nhất trí tăng cường chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc phòng — an ninh liên quan và cùng quan tâm; đẩy mạnh hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực truyền thống, thiết thực và tin cậy; thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự trên cơ sở lâu dài, bình đẳng, cùng có lợi, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định trên thế giới và trong khu vực.
Theo: NLĐ