Báo Thanh Niên vừa dẫn một lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định như vậy. Có thể nhìn nhận, đây là một động thái nhanh nhạy, kịp thời của lãnh đạo xứ Thanh cũng đúng, mà nói sức ảnh hưởng của dòng tin này quá mạnh cũng không sai.
Chiều hôm qua 19.3, chỉ từ một chia sẻ mang tính chất cá nhân từ một tài khoản mang tên Son Thai, mạng xã hội đã chia sẻ chóng mặt tin ông Đ.T.H, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa có "bồ nhí". Gắn kèm các thông tin này là hình ảnh và các tin nhắn qua lại được cho là từ số điện thoại của ông H với một "hot girl".
Rất nhiều hình ảnh của một cô gái đang công tác tại truyền hình Thanh Hóa bị tung lên và gán ghép với hai chữ "bồ nhí", y như cách thức vụ hot girl Quỳnh Anh trước đó.
Trong tin nhắn cũng nhắc đến tên rất nhiều lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các tin tức mang tính chất nội bộ. Thậm chí, còn có tên một số nhà báo, facebooker…
Cho dù trong các tin nhắn có rất nhiều chi tiết gắn với nội vụ tỉnh Thanh và các sự kiện hot girl xứ Thanh trước đây, nhưng trên Thanh Niên, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận:
"Có nhiều khả năng thông tin này là ngụy tạo nhằm mục đích xấu, như bôi nhọ lãnh đạo, gây ra bất ổn trong nội bộ cán bộ tỉnh và khiến người dân hoang mang".
Việc Thanh Hóa giao công an xác minh nguồn tin này là rất kịp thời. Để ít nhất tìm thấy sự thật đằng sau những dòng tin chết người, như một thứ thuốc độc đang tràn ngập mạng xã hội kia.
Chúng ta đã có rất nhiều bài học về những dòng tin xấu trên mạng xã hội mà điển hình là trường hợp Thánh cô Cô bóc đã bị ngành công an phát hiện năm 2015.
Tự do ngôn luận là một quyền hiến định, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là một cá nhân được phép đăng bất cứ một thứ tin gì không đúng sự thật, xúc phạm đến cá nhân khác.
Theo: Lao Động