Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra — basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ 1/8/2015 tới 31/7/2016). Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg — 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên.
Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ phỏng vấn ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ Thương mại — Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ để làm rõ về vấn đề này.
PV: Ông nắm thông tin về việc phía Mỹ kết luận áp thuế ở mức cao đối với cá Tra fillet đông lạnh của Việt Nam như thế nào?
Ông Bùi Huy Sơn: Ngày 19/3, Bộ Công Thương đã ra thông báo chính thức về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá theo kết quả của kỳ rà soát chính sách thương mại lần thứ 13 đối với việc áp thuế chống bán phá giá đối với cá Tra fillet đông lạnh của Việt Nam.
Hiện nay cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đang theo dõi rất sát sao việc phía Hoa Kỳ chính thức công bố quyết định này trên, qua các kênh thông tin chính thức của Hoa Kỳ. Trên cơ sở rà soát chính sách lần thứ 13 giai đoạn từ tháng 8/2015 đến hết tháng 7/2016, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra phán quyết về mức thuế cuối cùng rất cao, có thể nói là cao nhất từ trước tới nay, cao gấp 3 lần so với kết quả công bố áp thuế của đợt rà soát lần thứ 12 trước đó.
Bộ Công Thương cũng đã có ý kiến hết sức rõ ràng trong thông cáo của mình rằng, đây là một kết quả không công bằng và thể hiện rõ mức độ bảo hộ cao, không phù hợp.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà xuất khẩu và chế biến thủy sản cũng đã có thông cáo chính thức khẳng định rằng cách tính của bộ Thương mại Hoa Kỳ không phù hợp, không khách quan và đã có ý kiến đề nghị phía bộ Thương mại Hoa Kỳ phải xem xét lại một cách thỏa đáng đối với mức thuế đối với cá Tra fillet đông lạnh của Việt Nam.
Ông Bùi Huy Sơn: Theo tôi hiểu thì các văn bản của các cơ quan nhà nước Hoa Kỳ sẽ được công bố chính thức trên các trang thông tin chính thức của chính phủ. Việc công bố này cũng có quy trình do vậy có thể có độ trễ thời gian nhất định và điều đó cũng hết sức bình thường.
Thông tin của chúng ta cũng được tập hợp từ các nguồn rất đáng tin cậy trên cơ sở phối hợp chặt chẽ của Bộ Công Thương với Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản VASEP, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan, các đối tác liên quan của phía Hoa Kỳ thời gian vừa qua đã hỗ trợ, phối hợp với chúng ta rất nhiều trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.
PV: Về lý thuyết cũng như trên thực tế, phía Việt Nam chúng ta có những biện pháp nào để có thể thay đổi quyết định này thưa ông?
Ông Bùi Huy Sơn: Về mặt lý thuyết cũng như trên thực tế, Việt Nam hoàn toàn có thể có những giải pháp, biện pháp để đề nghị phía bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại một cách thỏa đáng quyết định về mức thuế này.
Trên thực tế, từ khi phía Hoa Kỳ ban hành kết quả áp thuế cuối cùng của đợt rà soát lần thứ 9, Việt Nam cũng đã đề nghị phía Hoa Kỳ phải xem xét lại, khi phía bộ Thương mại Hoa Kỳ không thể xem xét lại một cách thỏa đáng, Việt Nam đã khởi kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ USCIT.
Do vậy, tôi có thể nói rằng, Việt Nam vẫn có cơ sở, có quyền và trên thực tế cũng đã từng áp dựng quyền của mình để đi đến cùng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
PV: Trong những trường hợp như thế này, ông có khuyến cáo nào đối với những doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy?
Ông Bùi Huy Sơn: Rõ ràng mức thuế này của Hoa Kỳ cao một cách bất thường, tôi chưa bàn về việc nó không công bằng, không có cơ sở, không đúng đắn, nhưng mà với mức thuế cao như vậy, nếu được thực hiện sẽ trực tiếp ảnh hưởng nặng nề đối với việc xuất khẩu cá Tra fillet đông lạnh của Việt Nam.
Trên thực tế, quy trình rà soát này cũng như việc phía bộ Thương mại Hoa Kỳ nhiều lần áp dụng cách tính toán khác nhau, ví dụ như đột nhiên thay đổi quốc gia lựa chọn là quốc gia cơ sở, trước đây là từ Bangladesh sang Indonesia hay như lần này họ đột nhiên sử dụng các yếu tố bất lợi có sẵn (AFA) trong quá trình tính toán làm cho mức thuế kết quả cuối cùng khác thường.
Tới đây, phía Hoa Kỳ chắc cũng sẽ tiếp tục quá trình rà soát chính sách thương mại này, rà soát hành chính này đối với việc áp dụng thuế chống bán phá giá của cá Tra fillet đông lạnh.
Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nên có một cách tiếp cận hết sức bài bản, quy củ, trong quá trình lưu giữ hồ sơ, quá trình thống kê và tính toán chi phí của chúng ta trong quá trình từ nuôi trồng, đánh bắt cho tới chế biến, bảo quản và phân phối thủy sản, cụ thể ở đây là cá Tra fillet.
Trong thời gian tới, phía Hoa Kỳ dự kiến tiếp tục áp dụng các quy định mới, trong đó có các quy định về luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, sẽ yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ cung cấp rất nhiều thông tin từ địa bàn đánh bắt, phương tiện đánh bắt cho đến quá trình đánh bắt, bảo quản, vận chuyển, xử lý và phân phối các sản phẩm trong đó có thủy sản của Việt Nam.
Việc làm này không chỉ cần thiết khi phía Hoa Kỳ rà soát, xem xét mà ngay cả như trong trường hợp khi Việt Nam muốn yêu cầu họ xem xét lại, hay nói cách khác là chúng ta khiếu nại lại, thì cũng cần phải có các thông tin hết sức xác đáng, đầy đủ, phù hợp với yêu cầu của phía Hoa Kỳ, lúc đó chúng ta mới có cơ sở để khẳng định rằng chúng ta đúng và bảo vệ được quyền lợi của mình.
Trong quá trình này, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, của các hiệp hội liên quan, trong đó có VASEP cũng như các cơ quan như Bộ Công Thương và bộ NN&PTNT, vai trò của các cơ quan truyền thông cũng hết sức quan trọng, không chỉ là giúp các doanh nghiệp nắm rõ được yêu cầu của thị trường và hỗ trợ họ trong quá trình giới thiệu, quảng bá về quy tình đánh bắt và chế biến thủy hải sản một cách hết sức hợp quy định, khoa học, đảm bảo an toàn và phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu./.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo: VOV