Giáo sư Ngô Đức Thịnh bày tỏ sự băn khoăn trước đề xuất này dưới góc độ của một chuyên gia nghiên cứu văn hóa.
"Đây là việc không phù hợp với thuần phong mỹ tục nhưng xét về mặt tự do, đây là nhu cầu đời thường của mỗi cá nhân mà có nhu cầu sẽ có người đáp ứng.
Tuy nhiên, việc nhà nước cho hợp pháp hóa "phố đèn đỏ" để công khai thực hiện lại là chuyện khác. Mặc dù các nước phương Tây cũng đã thực hiện điều này, nhưng một nhà nước phương Đông như Việt Nam đứng ra quản lý khiến tôi rất suy nghĩ" — Giáo sư Ngô Đức Thịnh chia sẻ.
"Chuyện hợp pháp hóa hay công nhận theo tôi nghĩ là không nên. Công nhận hay không theo tôi cũng không có ý nghĩa gì vì từ trước tới nay nó vẫn diễn ra. Nói là sẽ kiểm soát nhưng liệu có kiểm soát được không? Hơn nữa, các biện pháp kiểm soát còn rất mơ hồ. Không hợp pháp vẫn diễn ra thì hợp pháp hóa để làm gì? Nhiều khi người ta nhầm tưởng việc có luật mọi chuyện sẽ rõ ràng nhưng thật ra cũng rất khó. Theo tôi tốt nhất là không nên đưa ra luật" — Giáo sư Ngô Đức Thịnh nói.
Cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội đang xây dựng báo cáo về tổng quan chính sách pháp luật xây dựng luật về mại dâm. Dự kiến, đề án liên quan về mại dâm sẽ được xây dựng ít nhất trong 2-3 năm tới và dựa trên 2 tiêu chí: Tôn trọng hiến pháp Việt Nam và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.
Những đánh giá, góp ý của dư luận, các nhà khoa học sẽ giúp các nhà quản lý có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề còn gây nhiều tranh cãi này.
Theo: Báo Lao Động