"Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm" là mệnh lệnh được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại cuộc họp của Ban Bí thư về công tác chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 10-4 vừa qua.
Mệnh lệnh của Tổng Bí thư đã chạm đến trái tim của những người cộng sản chân chính, của cả dân tộc; đồng thời là lời tuyên chiến đanh thép của Đảng về cuộc chiến không khoan nhượng với tham ô, tham nhũng, với những quan chức tha hóa. Mệnh lệnh này phá tan những suy nghĩ còn mơ hồ, nghi ngờ về quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của Đảng.
Mệnh lệnh của Tổng Bí thư đã làm tăng thêm niềm tin, sức mạnh cho người dân về quyết tâm của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với công tác phòng chống tham nhũng, chống "lợi ích nhóm", chưa bao giờ quyết liệt và nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân như lúc này. Từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, những "đặc ân" trong việc xử lý cán bộ, đảng viên đã bị xóa bỏ. Điều này được thể hiện rất rõ, hàng loạt cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng bị kỷ luật, bị khởi tố, xử phạt tù với mức án rất nghiêm khắc.
"Lò nóng lên rồi, củi tươi cũng phải cháy" — thông điệp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra từ hồi tháng 7-2017 tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đang ngày càng nóng lên.
Khách quan nhìn nhận, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị qua các thời kỳ rất quan tâm, luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kết quả không như kỳ vọng. Đã có một thời kỳ, uy tín của Đảng bị thử thách ghê gớm, sự nghiệp của Đảng, sự tồn vong của chế độ như con thuyền chòng chành giữa những cơn sóng dữ…
Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, với sự quyết tâm của Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, rõ ràng công tác chống tham nhũng đã có những bước chuyển rất quan trọng và lập tức phát huy hiệu quả.
"Phát súng lệnh" cho công cuộc chỉnh đốn đảng là vụ "xe biển số xanh" của Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, mở màn cho "chiến dịch" truy quét nạn tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm. Từ phát súng lệnh, các cơ quan có thẩm quyền đã lôi ra ánh sáng hàng loạt vụ đại án. "Không ai đứng trên pháp luật", "xử lý tham nhũng không có vùng cấm", mệnh lệnh này đã được thực thi một cách nghiêm túc, công minh. Hàng loạt cán bộ, có cả cán bộ cấp Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị — những người mà trước đó không lâu còn được coi là bất khả xâm phạm — đã bị kỷ luật, mất chức, đi tù.
Một câu hỏi đặt ra là: Với những vụ việc đã bị lôi ra ánh sáng, bộ máy đã trong sạch chưa? Câu trả lời là "Chưa!". Trong bộ máy, vẫn còn "một bầy sâu" như cách nói của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. "Sâu" vẫn chưa hết, nhưng đến giờ này, nhiều "sâu bự" đã bị xử lý. Người dân bắt đầu hy vọng về một bộ máy trong sạch, liêm chính dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thời kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn, vất vả nhưng Bác Hồ và Trung ương Đảng vẫn quyết tâm chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật. Vụ án Trần Dụ Châu là một điển hình cho quyết tâm của Đảng, Bác Hồ về chống tham nhũng.
Tiếc là có nhiều người, kể cả những cán bộ cấp cao của Đảng đã quên lời dạy của Bác, quên sự nghiệp của dân tộc để vơ vét, làm giàu bất chính cho bản thân và phe nhóm.
Người dân kỳ vọng, "những người đốt lò" luôn giữ được lửa, giữ được bản lĩnh, không chùn bước khi phải chặt hạ những cây "củi tươi", "củi to" vì sự nghiệp chung, sự tồn vong của chế độ, vì hạnh phúc của hơn 90 triệu dân.
Theo: NLĐ