Việt Nam: Đi ngược thế giới hay là “cứu ế” cho toàn cầu khi đề xuất khai tử xăng A95?

© Flickr / Senado FederalTrạm xăng
Trạm xăng - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
“Đề xuất chỉ sử dụng xăng sinh học của một số doanh nghiệp Việt được xem là cửa thoát cho nguồn cung đang bị dư thừa trên thế giới”.

Đây là nhận định rất cần được cân nhắc của TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập, khi trao đổi với Đất Việt.

Việt Nam đi ngược thế giới

PV: Dù đề xuất khai tử xăng A95 và sớm triển khai xăng E5Ron95 mới chỉ được một doanh nghiệp đưa ra, nhưng dư luận đã đặc biệt quan tâm và lo ngại. Bởi lẽ, điều này tạo nên thế độc tôn của xăng sinh học trên thị trường Việt Nam, trong khi xăng E5 vẫn chưa nhận được sự tin tưởng hoàn toàn về chất lượng.

Thưa ông, ông có bất ngờ trước những diễn biến này không? Ông có thể lý giải vì sao chỉ một đề xuất của doanh nghiệp mà lại có thể gây dư luận lớn đến vậy? Quan điểm của ông về đề xuất nói trên như thế nào?

TS Đinh Thế Hiển: Trước hết, tôi phải khẳng định đề xuất "khai tử" xăng RON95 (A95) và chỉ sử dụng 2 loại xăng sinh học là E5 RON92 và E5 RON95 là thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với cơ chế thị trường.

Thứ nhất, nói đề xuất trên là thiếu cơ sở của một nền kinh tế thị trường vì xăng dầu là hàng hóa thiết yếu, là nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào không thể thiếu cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước nói riêng cũng như phục vụ sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Người dân cũng không thể không dùng mặt hàng này.

© Ảnh : baodatvietTS Đinh Thế Hiển
TS Đinh Thế Hiển  - Sputnik Việt Nam
TS Đinh Thế Hiển

Chính vì tính chất đặc thù này mà xăng dầu không còn là một sản phẩm hàng hóa phổ biến, thông thường. Đây là một sản phẩm mang tính đặc thù, nhưng lại mang tính đại chúng, có quy mô tác động rất lớn.

Do đó, mọi điều chỉnh, quyết định sử dụng, thay thế sản phẩm này không thể xuất phát từ một doanh nghiệp nào đó. Việc lựa chọn sử dụng loại xăng nào phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, phải dựa trên ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền như: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải…; các cơ quan chuyên ngành… rồi thậm chí phải thông qua Quốc hội.

Thứ hai, về cơ sở khoa học, có thể thấy vẫn còn nhiều vấn đề chưa ổn. Đầu tiên là chất lượng, tới nay vẫn còn nhiều hoài nghi. Nói thẳng là, hiệu quả sử dụng xăng E5 cũng khó thuyết phục được người dân, để họ yên tâm, tin tưởng sử dụng loại xăng này. Sự hoài nghi đến từ cả 3 phương diện, đó là hiệu quả trong sử dụng nhiên liệu; tiếp đến là vấn đề bảo vệ môi trường và vấn đề thứ ba là triển vọng hóa khí lỏng trong tương lai.

Cụ thể, đánh giá hiệu quả sử dụng nhiên liệu, có thể nói việc "khai tử" xăng A95 và chỉ sử dụng xăng sinh học E5 là một quyết định thiếu thực tế. Cùng với sự chênh lệch về giá, xăng E5 đang được tuyên truyền là một sản phẩm an toàn với động cơ và thân thiện với môi trường.

Người ta còn nói rằng, việc sử dụng xăng E5 giúp cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, giảm đáng kể phát thải HC và CO. Đồng thời, nhiên liệu E5 hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần thay đổi kết cấu hay vật liệu chi tiết.

Tuy nhiên, xu hướng chung của các dòng xe được sản xuất trên thế giới hiện nay cũng như trong tương lai vẫn luôn được thiết kế theo hướng ưu tiên sử dụng các loại nhiên liệu hóa học, tức là các loại nhiên liệu có chỉ số octane cao. Đặc biệt, với những ô tô có độ nén cao thì nên sử dụng xăng RON 95.

Vì thế xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, xăng E5 dù được bán ra thị trường rẻ hơn so với xăng A95 nhưng hiệu quả sử dụng lại không đạt so với xăng A95. Đây cũng là lý do ở các nước họ vẫn bán nhiều loại xăng khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn cho phù hợp với loại xe đang sử dụng.

Về phương diện bảo vệ môi trường, theo tôi đánh giá, yêu cầu này cũng không đạt được hiệu quả. Đồng ý rằng việc sử dụng xăng E5 có thể giúp giảm phát thải các chất gây ô nhiễm có trong động cơ, góp phần bảo vệ môi trường, nhưng những tác động tới môi trường trong suốt quá trình sản xuất, tạo ra xăng E5 lại chưa được các nhà khoa học đánh giá và tính toán một cách đầy đủ, minh bạch. Rõ ràng, sản xuất ethanol từ cây lương thực sẽ làm giảm lượng đất phục vụ nhu cầu thực phẩm của con người.

Diện tích đất trồng lương thực khác sẽ bị thu hẹp, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn trong thị trường nguồn cung nguyên liệu. Đáng lo ngại, trong quá trình phát triển các vùng nguyên liệu như trồng sắn, trồng ngô để cung cấp cho các nhà máy sản xuất ethanol, yêu cầu sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học là rất lớn.

Mặt khác, để trồng và bảo quản thu hoạch ngô, người dân vẫn còn sử dụng đến các thiết bị chạy nhiên liệu hóa thạch. Việc chế biến ngô thành ethanol và vận chuyển đến điểm phân phối cũng phải cần đến các loại máy móc chạy nhiên liệu hóa thạch. Như vậy, việc bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng ethanol cũng không xoay chuyển nhiều.

Độc quyền xăng sinh học là chuyện chưa được ghi nhận ở cả những nước xếp hạng cao về ý thức bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, công nghệ sản xuất ethanol tại các nhà máy ethanol ở Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu, được nhập khẩu từ Trung Quốc. Những cảnh báo trên cùng với công tác quản lý nhà nước nếu làm không tốt thì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các dự án sản xuất ethanol rất khó kiểm soát và đáng lo ngại hơn nhiều.

Vấn đề cuối cùng, trong việc dự báo xu hướng hóa khí lỏng tương lai, tôi cũng cho rằng phát triển xăng E5 không phải là lựa chọn tối ưu.

Như đã phân tích ở trên, rõ ràng nhu cầu trông ngô, sắn… quy mô lớn đã không còn là xu hướng phù hợp trong tương lai. Lựa chọn tối ưu của các nước phát triển là hướng tới phát triển công nghệ năng lượng điện, công nghệ năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời…

Như vậy, đề xuất "khai tử" xăng A95, chỉ sử dụng xăng E5 là chưa đủ cơ sở. Việc "từ bỏ" một sản phẩm đang tốt, đưa sản phẩm đang gặp khó khăn vào tiêu thụ là quá chủ quan và không phù hợp thực tế.

Về câu hỏi vì sao đây mới chỉ là đề xuất của một vài doanh nghiệp mà đã gây dư luận lớn đến vậy, tôi xin chân thành chia sẻ với những lo lắng của dư luận. Những lo lắng trên xuất phát từ cơ chế điều hành quản lý chưa phù hợp, chính sách quản lý vẫn có những ưu tiên, ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Kinh nghiệm thực tế cho thấy, cái gì DNNN đề xuất thì hầu hết đều được xem xét theo hướng ưu tiên lựa chọn. Những lo ngại với đề xuất dùng xăng E5 cũng xuất phát từ nguyên nhân này.

Vấn đề ở chỗ, nếu đề xuất đó là phù hợp, là hợp lý, thì chúng ta hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, đối với những đề xuất mang tính cục bộ, mang tính lợi ích nhóm, có tầm nhìn ngắn hạn, thì người dân khó có thể ủng hộ. Cá nhân tôi, tôi cũng không thể ủng hộ đề xuất này.

PV: Thưa ông, sau khi xóa sổ xăng A92 với lý do dùng xăng E5 là thân thiện với môi trường, Bộ Tài chính đã tăng thuế môi trường với xăng dầu. Tiếp đó, khi xăng E5 chưa nhận được niềm tin của người tiêu dùng, giá xăng A95 lại bị thả nổi với lý do đây là mặt hàng "không phổ biến" và để doanh nghiệp tự định giá, khiến giá loại xăng này tăng mạnh, chiêu thức được đánh giá là "ép" người dân dùng xăng E5.

Phải chăng đang có một sự ưu ái đặc biệt với dòng sản phẩm xăng sinh học? Nhìn sang các nước, dường như chưa có nước nào ép buộc người dân từ bỏ xăng khoáng, chỉ bán xăng sinh học. Việc sử dụng xăng sinh học thậm chí còn đang gây tranh cãi do các vấn đề về an ninh lương thực. Tại sao Việt Nam lại đi theo con đường không thuận chiều với thế giới như vậy?

TS Đinh Thế Hiển: Có thể dư luận đúng. Nhiều phân tích cho thấy, có sự tác động, tạo dư luận theo hướng có lợi cho xăng E5. Trong đó có việc điều chỉnh tăng phí bảo vệ môi trường lên mức rất cao và tồn tại sự chênh lệch về mức giá bán khá lớn giữa hai loại xăng A95 và E5. Động thái trên được nhận định là một động tác buộc người tiêu dùng từ bỏ thói quen sử dụng xăng A95 và chuyển sang sử dụng xăng E5.

Nhưng như tôi đã phân tích, đó chỉ là định hướng của doanh nghiệp. Nếu dựa trên góc độ kinh tế thị trường và góc độ khoa học thì chưa đủ cơ sở để khẳng định xăng E5 là lựa chọn tối ưu cho người tiêu dùng.

Hơn nữa, Việt Nam cũng không thể đi ngược với xu hướng của thế giới. Sử dụng xăng sinh học không phải là lựa chọn phổ biến trên thế giới hiện nay. Cần nhớ rằng, việc sản xuất ethanol chỉ được các nước trên thế giới thực hiện khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, nguồn cung khan hiếm, khi đó họ nghĩ tới một giải pháp thay thế là sản xuất ethanol.

Tuy nhiên, hiện tại giá dầu thô đã giảm, xu hướng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng điện ngày càng cao, thì nhu cầu sản xuất ethanol đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp nữa.

Điều tôi thấy lạ là, dù biết rõ những bất cập đó, nhưng vẫn có những đề xuất mang tính cục bộ, mang tính ngắn hạn, thiếu tầm nhìn như vậy được đưa ra. Hiện nguồn cung ethanol trên thế giới đang bị dư thừa khá lớn, các nước đang phải đau đầu, nghĩ cách đẩy nguồn năng lượng dư thừa này sang các nước. Tại sao Việt Nam còn có những đề xuất thụt lùi như vậy?

Nhân đây, tôi cũng phản đối việc Bộ Tài chính thả nổi giá xăng A95 và để doanh nghiệp tự định giá. Dù với lý do nào, đây cũng là mặt hàng được Nhà nước quản lý và việc điều hành giá cả của mặt hàng này phải do Nhà nước quyết định. Hơn nữa, đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, việc thả nổi, để doanh nghiệp tự định giá là tiềm ẩn nhiều bất cập, khó có thể chấp nhận.

Không thể đi ngược thị trường

PV: Một thông tin khác cũng được dư luận đặc biệt chú ý, đó là hiện chỉ có một nhà cung cấp cồn E100 duy nhất là Công ty TNHH Tùng Lâm. Các nhà máy khác có vốn đầu tư của Nhà nước như Ethanol Dung Quất, Ethanol Bình Phước đều đang dừng hoạt động, Ethanol Phú Thọ thì xây dựng dở dang.

Dù phía Tùng Lâm khẳng định là có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu được cồn ethanol, nhưng dư luận vẫn nghi ngại về tình trạng độc quyền cồn ethanol để pha xăng sinh học. Ông bình luận như thế nào về băn khoăn của dư luận? Nếu nguồn cung năng lượng từ xăng lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu thì điều đó có phù hợp không? Để xảy ra tình trạng này, hệ lụy sẽ thế nào?

TS Đinh Thế Hiển: Việc bùng nổ xây dựng và phát triển các nhà máy sản xuất ethanol tại Việt Nam thời gian qua là hệ quả của một chiến lược, một tầm nhìn sai lầm. Từ việc đánh giá về nhu cầu sử dụng, cho tới việc đưa ra những dự báo thiếu thực tế, thiếu khả thi, đã khiến các nhà máy sản xuất ethanol phải đóng cửa, ngừng hoạt động, hoặc phải chấp nhận thua lỗ, sản xuất cầm chừng do không tìm được đầu ra.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu tiếp tục hồi sinh các dự án sản xuất ethanol thì tôi lo ngại tương lai cũng không sáng sủa hơn. Thậm chí, nếu chúng hoạt động thì cũng khó tìm được nguồn nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy này hoạt động. Như vậy các doanh nghiệp chỉ có cách phải đi nhập nguyên liệu về sản xuất hoặc phải chấp nhận nhập thẳng ethanol từ nước ngoài. Trong trường hợp nhập nguyên liệu hay phải nhập ethanol thì chúng ta cũng đều rơi vào thế bị động, bị phụ thuộc vào nguồn cung của thế giới.

Khi đó, tất cả các mục tiêu như phát triển triển năng lượng, xây dựng vùng nguyên liệu giúp nông dân làm kinh tế, cải thiện môi trường… đều không đạt được. Vậy thì kết quả có thể đạt được từ đề xuất trên là gì? Chỉ có thể là giúp giải quyết một khối lượng lớn ethanol "ế" cho thế giới.

Tình trạng độc quyền trong nhập khẩu và cung cấp xăng sinh học cũng là lo ngại chính đáng, nếu cơ chế điều hành, hoạt động không tuân thủ theo một quy luật nào.

PV: Trong trường hợp ngược lại, khi cái cớ không phụ thuộc nguồn nhập ethanol nước ngoài được đưa ra để cứu các dự án thua lỗ của ngành công thương, điều này có chấp nhận được không? Với các giả thiết này, phải chăng, quyền lợi của người tiêu dùng đang bị đánh đổi cho thắng lợi của các nhóm lợi ích?

TS Đinh Thế Hiển: Tôi hiểu vấn đề này. Nhưng dù có cố "cứu" các nhà máy sản xuất ethanol trong nước thì tôi khẳng định nó cũng sẽ không thể hoạt động hiệu quả và rồi lại tiếp tục thua lỗ, phải đóng cửa mà thôi.

Tôi đã nói nhiều lần rồi, những gì đi ngược lại với nền kinh tế thị trường đều làm giảm hiệu quả trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, làm mất tính cạnh tranh của nền sản xuất. Nghiêm trọng hơn, khi chúng ta cứ lúi húi tìm cách cứu các nhà máy thua lỗ, thì các nền kinh tế khác vẫn không ngừng phát triển, vươn lên mạnh mẽ. Cứ như thế, nền kinh tế trong nước sẽ ngày càng bị tụt hậu và bị thụt lùi xa hơn so với các nước trong khu vực.

Vì vậy, tôi cho rằng, về nguyên tắc quản lý cần phải có cơ chế đối xử công bằng, đúng nguyên tắc thị trường. Việc xử lý những sai phạm cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Doanh nghiệp không hiệu quả phải cho phá sản. Ai sai, người đó phải chịu trách nhiệm.

PV: Như vậy, theo ông, có nên khai tử hoàn toàn xăng khoáng hay không? Dù đặt mục tiêu bảo vệ môi trường, cách ứng xử với các sản phẩm xăng trên thị trường phải như thế nào?

TS Đinh Thế Hiển: Tất cả những gì tôi đã phân tích chính là quan điểm khá rõ ràng. Tôi xin nhắc lại, không nên đặt vấn đề "khai tử" xăng A95. Mọi đề xuất và quyết định phải dựa trên cơ sở khoa học và cơ sở kinh tế thị trường.

Xăng A95 vẫn đang là nhiên liệu chuẩn cho các loại động cơ đốt trong đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Nếu đề xuất từ bỏ loại nhiên liệu này và đòi thay thế bằng loại nhiên liệu khác mà không đưa ra được những lý do, cơ sở thuyết phục là việc làm duy ý chí, phi khoa học.

Vì thế, câu trả lời của tôi là "cái gì thị trường chọn lựa thì hãy để thị trường làm". Xăng E5 muốn tồn tại buộc phải chấp nhận cạnh tranh.

Nguồn: Báo Đất Việt

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала