Sau ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, khả năng đưa chiếc ô tô điện CITY 18 vào sản xuất đại trà là không khả thi, ông Trần Minh Tâm, cha đẻ của CITY 18 cho biết, ông không lấy đó làm buồn bởi mọi người đều có quyền ý kiến.
"Tôi đã đọc những góp ý đối với sản phẩm của mình. Các chuyên gia nói đều đúng, nhưng đó là trên lý thuyết, còn thực tế thì không hoàn toàn như vậy.
Cái gì cũng phải có bắt đầu, không có bắt đầu làm sao hoàn hảo được? Ngày xưa người đầu tiên chế tạo ra ô tô có ai biết ông ấy là ai? Khi ấy ông ta vẫn là một người bình thường, không qua trường lớp đào tạo gì, nhưng từ từ người ta mới có kinh nghiệm, bổ sung vào.
Theo tôi, cứ từ thấp đi lên cao và đi từ từ. Ngành ô tô Việt Nam phải đi theo học hỏi các nước đã phát triển trước và tiến đến trình độ giống họ. Chúng ta phải luôn luôn học hỏi cho đến khi hoàn thiện.
Ai đó có thể chế xe chơi, nhưng tôi thì khác. Tôi đã lăn lộn dưới gầm xe, làm nghề 40 năm, nắm được tất cả những điểm yếu, điểm mạnh của xe. Vì lẽ đó, tôi đảm bảo khi làm ra một chiếc xe chắc chắn không thua ai, chẳng qua Việt Nam không có máy.
Về vấn đề cơ khí, an toàn, chủ nhân chiếc ô tô điện CITY 18 khẳng định ông làm được. Còn máy móc, động cơ và những thiết bị quan trọng Việt Nam chưa có thì bắt buộc phải nhập để làm hoàn thiện một chiếc xe có giá trị, sau đó rút kinh nghiệm, thậm chí lấy mô phỏng xe của nước ngoài tạo ra cái của mình.
"Hiện nay, các hãng xe ở Việt Nam đều làm như vậy. Chất lượng, độ an toàn của một chiếc xe không nằm ở chỗ chiếc xe ấy do nước ngoài sản xuất, mà là nó như thế nào khi cấu kết lại. Xe nước ngoài thì vẫn cứ lỗi như thường", ông Trần Minh Tâm nhận xét.
Theo lời kể của ông Tâm, tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 14 về ô tô, xe máy, xe đạp điện và công nghiệp phụ trợ (Saigon Autotech & Accessories 2018) mà ông vừa tham gia, có nhiều dòng xe điện của Trung Quốc tham gia triển lãm.
"Đa số xe Trung Quốc tham gia triển lãm làm bằng nhựa composite, nghĩa là họ chỉ làm cho đẹp, còn tông cái rầm là bể hết.
Khi tham quan xe của tôi, ai cũng gõ gõ xe. Mọi người nghĩ xe tôi làm bằng nhựa, đó là hiểu lầm. Tiêu chí của tôi là không bao giờ làm dỏm, đã làm là phải làm xịn. Chiếc CITY 18 có 2 lớp sắt và tôi dám đảm bảo nó chắc gấp đôi so với nhiều loại xe hãng đang bán trên thị trường", ông Tâm cho biết.
Sau khi đưa xe vào trưng bày tại triển lãm theo lời mời của Công ty ô tô điện Đại Phát Tín, đến nay ông Tâm và doanh nghiệp này vẫn chưa có sự hợp tác nào. Theo ông Tâm, việc có hợp tác hay không là do lãnh đạo công ty quyết định. Tuy nhiên, ông rất mong được làm việc với những doanh nghiệp trong ngành ô tô, nhất là ô tô điện.
"Trong tương lai, nếu Đại Phát Tín hay doanh nghiệp nào đồng ý hợp tác, tôi sẽ chuyển giao công nghệ và ban đầu, chắc chắn tôi sẽ làm một mô phỏng xe điện khác ban hoàn chỉnh, với sự tham gia, tính toán kỹ càng của các nhà chuyên môn, kỹ sư của doanh nghiệp đó.
Nếu mô phỏng đó ổn thì sẽ sản xuất thử với số lượng nhỏ, để người dân từ từ cảm nhận được sản phẩm, nếu cần thì thêm hoặc bớt cái gì đó. Chuyện này giống như nấu nồi súp, khi ăn ngon và được người ta chấp nhận thì mới làm lớn.
Tôi nghĩ rằng mình không thể nóng vội, cũng không thể so sánh được với những thương hiệu xe đã có tiếng. Mình sinh sau đẻ muộn, đi theo học hỏi là chính, làm sao để Việt Nam có ô tô, dù muộn và chất lượng không bằng như người ta, nhưng đảm bảo an toàn.
Và dù hợp tác với ai thì tiêu chí của tôi vẫn luôn là chất lượng phải đặt lên hàng đầu chứ không phải là chuyện lời lãi", ông Trần Minh Tâm khẳng định.
"Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại, ở trên đời mấy ai sống được trăm tuổi, đến khi chết đi liệu có được đầu thai làm người, có cơ hội để làm tiếp hay không?
Nhiều người bỏ tiền ra nhậu nhẹt, cờ bạc một cách… đam mê, trong khi tôi đam mê chế tạo xe, mà đam mê ấy là vì muốn tốt cho xã hội, muốn bảo vệ môi trường, tại sao tôi không thể theo đuổi đến cùng?
Vì nghĩ như thế nên tôi cứ ráng mãi, ráng mãi, cuối cùng cố được đến hôm nay. Điều quan trọng nhất và cũng là nỗi khổ tâm lớn nhất của tôi hiện nay là vốn, có vốn tôi có thể làm mãi, làm suốt đời. Thậm chí, đến khi nào tôi chết đi mà vẫn chưa làm xong, tôi vẫn muốn kiếp sau có thể tiếp tục công việc này", ông Tâm trăn trở.
Hiện ông Tâm có rất nhiều ý tưởng, không chỉ về ô tô điện và trước mắt ông đang thiết kế ô tô chạy cả xăng và điện.
Theo đó, khi xe chạy trong thành phố, những khu dân cư đông đúc thì có thể chạy máy điện để bảo vệ môi trường, tốc độ không cần nhanh. Khi chạy ra ngoại thành, xe sẽ chạy máy xăng, còn máy điện nghỉ, trong lúc máy điện nghỉ thì động cơ xăng có nhiệm vụ nạp lại bình cho máy điện.
Ông Tâm tính toán, nếu một chiếc xe bình thường tiêu tốn khoảng 100 triệu đồng tiền xăng mỗi năm thì xe chạy cả điện và xăng chỉ mất 10-20 triệu đồng bởi trong khi chạy xăng thì sạc điện lại, lúc chạy điện thì miễn phí.
"Làm một mình rất khó, rất lâu và rất khổ về tiền bạc nhưng nếu nghĩ ra mà cứ để đó thì cũng không được gì, nên tôi phải làm ngay.
Bây giờ, ai ủng hộ thì tôi cảm ơn, ai chê, ai cười đó cũng là chuyện bình thường. Mọi người có quyền ý kiến nhưng có một câu hỏi vẫn luôn khiến tôi day dứt: Tại sao đến giờ Việt Nam không có cái gì? Trong năm 2018-2019, tôi sẽ trả lời Việt Nam có cái gì dù rằng nó rất nhỏ.
Nếu giải quyết được vấn đề kinh phí, tôi sẽ làm hết mọi việc, khi nào làm xong, ai muốn làm gì những sản phẩm đó thì làm. Còn tôi, làm những việc này trước hết để thỏa mãn đam mê", ông Trần Minh Tâm nói.
Nguồn: Báo Đất Việt