Chiều 7/6, thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi, nhiều đại biểu quan tâm tới quy định bổ sung Cục đặc biệt ở Bộ Công an và cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I (tiêu chí phân loại dựa vào dân số, diện tích tự nhiên, các yếu tố đặc thù)…
Ông Phạm Minh Chính — Trưởng ban Tổ chức Trung ương, tán thành với đề xuất trần quân hàm của giám đốc Công an cấp tỉnh là thiếu tướng, và cho rằng cần chọn những địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự để áp dụng quy định này.
"Khi sửa đổi Luật, để tránh số lượng tướng tăng lên so với Luật hiện hành thì phải khống chế về tiêu chí, đồng thời khống chế tổng số cấp tướng mà lực lượng Công an được phong để đảm bảo chặt chẽ", ông Chính nói.
Về quy định Cục đặc biệt của Bộ Công an, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng cũng phải có tiêu chí đặc biệt. Lâu nay lực lượng công an có các tổng cục nhưng theo nguyên tắc hiện nay là không thành lập các tổng cục, do vậy sẽ có Cục đặc biệt.
"Cục đặc biệt là thế nào, dự luật cần đưa ra định hướng, còn cụ thể do Chính phủ quy định. Trần quân hàm của người đứng đầu Cục đặc biệt có thể là trung tướng nhưng cần có quy định để đảm bảo cân đối chung", ông Chính nói.
Đại biểu này đề nghị Bộ Công an làm rõ về Cục đặc biệt để tránh hiểu nhầm "Cục đặc biệt có phải là biến tướng của Tổng cục, liệu có phải xoá được Tổng cục thì lại mọc lên mấy Cục đặc biệt?", ông đặt câu hỏi.
"Cần bàn kỹ để tránh vênh và so bì"
Cho ý kiến vào quy định trần quân hàm của giám đốc công an tỉnh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp Nguyễn Công Hồng cho hay, năm 2014 khi Quốc hội sửa luật Công an nhân dân và Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, các đại biểu đã bàn và thống nhất cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh.
"Sửa Luật lần này, việc tăng cấp bậc hàm cho Giám đốc Công an tỉnh, thành cần bàn kỹ để tránh vênh, so bì không cần thiết giữa lực lượng công an và quân đội", ông Hồng nói.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Chính, trong quân đội, dưới Bộ Quốc phòng còn có các Quân khu, Quân đoàn, còn đối với Công an thì Bộ xuống tỉnh, quân số ở mỗi tỉnh đông, thời bình phức tạp về tình hình về an ninh, trật tự… Từ sự phân tích này, ông Chính cho rằng nếu có trường hợp phong hàm thiếu tướng cho giám đốc Công an tỉnh, nhưng không phong thiếu tướng với Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thì "cũng có lý và có thể giải thích được".
Hơn nữa, theo bà Xuân, Cục trưởng có 200-300 quân, còn Giám đốc công an tỉnh quản lý từ 3.000 — 4.000 quân, "nếu chỉ ưu tiên tỉnh, thành loại I mới có trần quân hàm thiếu tướng thì rất khó, nên chăng quy định cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng với toàn bộ Giám đốc công an các tỉnh, thành.
Bà Lê Thị Nga — Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, cử tri phản ánh là cần cân nhắc số lượng tướng, nhất là vị trí phong tướng và người dân quan niệm "đã là tướng thì phải cầm quân".
"Giờ một số vị trí làm công tác tham mưu, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật, kinh tế thì quy định cấp tướng có phù hợp không? Người dân phản ánh thì chúng ta nên có lý giải", bà Nga nêu ý kiến.
Điều 26 dự thảo Luật quy định, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan như sau:
a) Đại tướng: Bộ trưởng Công an;
b) Thượng tướng: Thứ trưởng Công an;
c) Trung tướng:
Cục trưởng cục đặc biệt và tương đương; Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an TP HCM;
d) Thiếu tướng:
Trợ lý Bộ trưởng Công an; Cục trưởng và tương đương, trừ quy định tại điểm c khoản này; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; chức vụ cấp phó của cấp trưởng quy định tại điểm c khoản này…
Theo: VnExpress