Cách đây không lâu, anh tôi ở Úc về thăm nhà. 9h tối, anh bảo thử đi nhậu lề đường một bữa xem sao. Mấy anh em rủ nhau ra quốc lộ 13…
"Nhìn lại mình, chúng ta có đầy đủ luật lệ rồi, chẳng qua áp dụng không nghiêm nên mới sinh chuyện mà thôi thì chả cần phải thêm quy định mới làm gì. Bởi đẻ thêm quy định mà áp dụng không nghiêm thì cũng như không
Uống bia… quên đời!
Quán nhậu bình dân nhưng có mặt bằng thật rộng, đèn đóm sáng trưng, khách ngồi đông nghịt. Mặt tiền quán giăng băngrôn thật to dòng quảng cáo: "Bia tươi Đức: 4.000 đồng/ly…"!
Bia tươi Đức mà chỉ 4.000 đồng/ly? Ông anh háo hức muốn thử. Vừa yên vị, anh gọi ngay ba ly. Tôi cười cười bảo: "Anh uống hết một ly là giỏi"! Anh cười lớn: "Giỡn hoài, sức anh chục ly"!
Trong cuộc lai rai, chúng tôi quan sát thành phần thực khách có mặt trong quán đa phần là sinh viên (khu vực này rất đông sinh viên ở trọ) và dân lao động. Cà rà bắt chuyện với vài người, có thể làm tạm một bài tính thế này: Bốn người uống 20 ly bia tốn 80.000 đồng, làm thêm chút đỉnh mồi bình dân chừng trăm ngàn nữa vị chi hết 180.000 đồng.
Ông anh Việt kiều nói:
"Thật ra, ở nước nào cũng vậy, người nghèo mới uống nhiều bia rượu. Vì cho dù giá bia rượu có đắt như ở nước ngoài đi nữa thì niềm vui trong ma men vẫn là thứ rẻ nhất trong tất cả các thú vui! Ví dụ, chơi thể thao, xem ca nhạc, coi phim, kịch… đều tốn hơn bia rượu rất nhiều. Chưa kể bia rượu còn làm cho quên đời…".
Có vẻ đúng là như thế thật! Cứ đi ra phố Tây Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện ở TP.HCM mà xem, mấy ông Tây nhậu bét nhè toàn là Tây "balô". Chứ Tây sang trọng, túi rủng rẻng nhiều tiền thì họ đi trải nghiệm, khám phá để tìm hiểu văn hóa Việt Nam trong chuyến du lịch chứ có ai say xỉn hằng đêm đâu!
Giảm bia rượu không khó
Bên cạnh chuyện đánh vào hầu bao của đệ tử lưu linh, còn cách nào để hạn chế bia rượu? Có không ít đề xuất là chúng ta phải có quy định uống có giờ có giấc, có nơi có chỗ chứ không thể tràn lan, vô tội vạ như bao lâu nay. Nhưng, cũng có ý kiến phản đối bảo rằng làm như vậy là vi phạm quyền con người!
Ai cũng thấy tác hại của rượu bia đến sức khỏe người dân, gây tác hại cho xã hội… (Tôi nhớ ở Đức người ta có một cụm từ là "những đứa con chiều thứ bảy" để chỉ về những đứa trẻ ốm yếu bệnh tật, được sinh ra sau khi bố say xỉn cuối tuần). Theo tôi, chúng ta không cần thiết phải thêm quy định nào nữa để hạn chế bia rượu, cái cần là làm nghiêm những quy định sẵn có.
Theo tôi, cứ thẳng tay thực hiện chuyện lấy lại lòng lề đường một cách hợp pháp thì những con đường ăn nhậu như đường Phạm Văn Đồng làm sao tồn tại? Cứ thẳng tay trị chuyện ồn ào trong thôn xóm bởi ăn nhậu hát hò. Cứ thẳng tay trị chuyện nhậu vào đánh đập vợ con. Cứ thẳng tay thu bằng lái, giam xe đối với đệ tử lưu linh khi có men trong người mà chạy xe. Cứ thẳng tay phạt chuyện bán rượu bia cho người chưa đủ tuổi…
Cũng đừng bao giờ hỏi dân nhậu rằng vì sao anh nhậu? Bởi, buồn cũng nhậu, vui cũng nhậu, xấu hổ vì nhậu cũng nhậu… Và đừng mất công khuyên người còn nghèo đừng nhậu!
Bia Việt Nam có rẻ không?
Giá ai cũng được như thế!
Hôm 5-6, trên mạng lan truyền một clip thú vị. Người cha chở con đi xe gắn máy đã tránh được cú va chạm với ôtô mà tài xế đang say. Người cha chặn đầu ôtô, tay vác một cục gạch bắt tài xế ra khỏi xe. Mọi người xúm lại can, anh này trấn an: "Tôi không đánh đâu, chỉ bắt anh ta xuống xe thôi".
Khi người lái ôtô loạng choạng xuống xe nói lời xin lỗi, anh đi xe gắn máy nói rất hay: "Ông không phải xin lỗi tôi mà xin lỗi bản thân ông ấy. Ông say xỉn mà lái ôtô thế này dễ gây tai nạn, khi ấy ông khổ, gia đình ông khổ, gia đình nạn nhân khổ"! Và sau đó người lái xe gắn máy dứt khoát bắt ông lái ôtô gọi điện về nhà kêu vợ ra lái xe đưa về chứ không cho anh này lên xe đi tiếp! Giá mà trong xã hội ai cũng như người đàn ông lái xe gắn máy thì quá tuyệt!
Nguồn: Tuổi Trẻ