Theo ý kiến của những nhà quan sát, chuyến thăm thứ ba của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đến Trung Quốc trong ba tháng vừa qua là trường hợp chưa từng có trong thực tiễn ngoại giao. Tần suất thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un là chưa từng thấy, và điều đó phản ánh vai trò đặc biệt của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên. Đây là ý kiến của chuyên gia Da Zhigang, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội tại tỉnh Hắc Long Giang — Trung Quốc. Ông nói:
Những cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên phải được tổ chức thường xuyên vì trong khu vực và trong mối quan hệ song phương đã hình thành một tình huống đặc biệt. Vấn đề thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có liên quan không chỉ đến tình hình ở Đông Bắc Á, mà còn liên quan đến an ninh địa chính trị của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc đóng vai trò lớn trong quá trình giải quyết hòa bình các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Quan hệ Trung-Triều đã trở thành một cơ chế quan trọng ảnh hưởng đến tình hình ở Đông Bắc Á, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un bắt đầu thường xuyên đến thăm Trung Quốc sau sự lạnh nhạt chưa từng có trong mối quan hệ song phương hồi năm ngoái. Theo chuyên gia Konstantin Asmolov từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), sáng kiến tăng cường mối quan hệ song phương chủ yếu đến từ Bình Nhưỡng. Ông Kim Jong-un muốn có sự ủng hộ của Trung Quốc để bảo đảm sự cân bằng chính trị trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington:
Theo chuyên gia Asmolov, mục đích của các chuyến thăm này là dễ hiểu: ông Kim Jong-un muốn thông báo với ban lãnh đạo Trung Quốc về kết quả cuộc đàm phán với Trump, để nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh và để xóa tan những nghi ngờ về việc Bình Nhưỡng và Washington có những âm mưu chống lại Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại và mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi. Hiện nay, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là rất phức tạp. Trong bối cảnh này một số chuyên gia suy đoán rằng, Hoa Kỳ cố gắng tách CHDCND Triều Tiên ra xa Trung Quốc. Những suy đoán như vậy có cơ sở sau khi phía Mỹ đưa ra những tuyên bố rằng, họ sử dụng một kênh liên lạc riêng để trao đổi với CHDCND Triều Tiên, vì vậy vai trò của Trung Quốc không phải là quan trọng như trước đây. Trong khi đó, tại cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tập Cận Bình đều nhấn mạnh rằng, mối quan hệ song phương là bền vững hơn bao giờ hết. Đây là một tuyên bố quan trọng trong tình hình hiện tại.
Một số nhà quan sát cho rằng, nhiều khả năng, ông Kim Jong-un đã yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình giúp giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Chuyên gia Konstantin Asmolov không nêu ra suy đoán về nội dung cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, nhưng, theo ông, xác suất Trung Quốc ủng hộ sáng kiến của Nga giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt chống lại CHDCND Triều Tiên là rất cao. Ông lưu ý rằng, tình hình thực tế trong khu vực hoàn toàn phù hợp với kế hoạch "đóng băng kép" của Nga và Trung Quốc. Bình Nhưỡng đã tuyên bố đóng băng tạm thời chương trình hạt nhân và tên lửa, và Hoa Kỳ bắt đầu giảm quy mô các hoạt động chuẩn bị quân sự cũng đã tác động tiêu cực đến tình hình trong khu vực. Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã tuyên bố đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung như dự kiến phải được tổ chức vào tháng Tám.
Hôm thứ Tư, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In đã hoan nghênh kết quả cuộc gặp tại Bắc Kinh giữa hai nhà lãnh đạo CHND Trung Hoa và CHDCND Triều Tiên. Hàn Quốc bày tỏ sự tự tin rằng, cuộc gặp thượng đỉnh này là một bước tiến mới trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Seoul hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc hoàn thành thành công quá trình này.
Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khi được hỏi về phản ứng trước cuộc gặp giữa hai ông Tập Cận Bình và Kim Jong-un, đã nói: "Chúng tôi theo dõi sát sao sự kiện này". Nhà ngoại giao cũng lưu ý rằng, Hoa Kỳ đang liên lạc với chính quyền CHDCND Triều Tiên về việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore.