Với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm qua có những chuyển biến tích cực cả về mặt nhận thức và hành động. Nhiều vụ án tham nhũng đã bị phát hiện và đưa ra xét xử công khai, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: "Lò" nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng. Và đồng hành với cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, báo chí luôn thể hiện vai trò tích cực, quan trọng của mình để góp "lửa" loại bỏ những cán bộ "nhúng chàm".
Ông Đỗ Văn Sinh — Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm mọi người dân. Các vụ việc được người dân phản ánh, cung cấp thông tin chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong thời đại công nghệ hiện đại như hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại, mọi người đều có thể lưu lại những chứng cứ, tài liệu và dễ dàng cung cấp cho báo chí để đăng tải một cách nhanh nhất.
Báo chí có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống chống tham nhũng. Vừa qua, rất nhiều vụ án được phanh phui, đưa ra công luận với những bằng chứng xác thực, sau đó cơ quan chức năng vào cuộc và thấy được rất nhiều vấn đề.
Tôi hy vọng thời gian tới, chúng ta tiếp tục làm tốt công tác này, đặc biệt là phát huy vai trò của báo chí vì đây là kênh người dân tiếp cận thuận lợi, gần gũi. Nguồn thông tin từ báo chí cũng giúp đại biểu Quốc hội và cử tri giám sát những người có chức vụ quyền hạn.
Ông Phạm Tất Thắng — Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội
Trước khi công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy lên một bước, nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thì vai trò báo chí trên mặt trận này đã được ghi nhận.
Một thực tế cần suy nghĩ là chúng ta có cả hệ thống quản lý từ thanh tra đến kiểm tra, giám sát, nhưng nhiều vụ tham nhũng lớn trước đây hầu hết được phát hiện qua báo chí hoặc dư luận nhân dân. Chính từ sự phát hiện, lên tiếng của báo chí về các vụ việc tiêu cực đã thu hút sự quan tâm của dư luận, của cơ quan chức năng, đưa ra công luận các vụ việc cũng như đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc.
Hiện nay phòng, chống tham nhũng trở thành nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và xã hội thì báo chí tiếp tục đóng vai trò rất lớn, nhất là sự phát hiện cũng như thông tin truyên truyền về quá trình xử lý vụ việc, tạo sự đồng thuận, từ đó góp phần đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Ông Nguyễn Ngọc Phương — Phó Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Bình
Có thể khẳng định rằng báo chí thời gian qua có vai trò rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng và được các cơ quan Đảng, Chính phủ, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân rất ghi nhận.
Báo chí đã vào cuộc và phản ánh trên nhiều lĩnh vực những vụ việc, hiện tượng có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm của cá nhân, tập thể. Các bài báo không chỉ phản ánh chung mà còn đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc cụ thể với đầy đủ tình tiết, chứng cứ rõ ràng buộc cơ quan về thanh tra, giám sát, điều tra phải vào cuộc, xử lý nhanh chóng.
Báo chí đang góp "lửa" diệt tham nhũng, loại trừ những cán bộ suy thoái, biến chất, tư lợi. Nhiều phóng viên bất chấp nguy hiểm và sự tác động của các đối tượng bị phản ánh để bằng nghiệp vụ của mình khai thác, nắm chắc thông tin để có những bài viết tiêu biểu trên mặt trận chống tiêu cực.
Đối tượng tham nhũng, tiêu cực thường liên quan nhiều người có chức có quyền, thậm chí có người giữ chức danh lãnh đạo quan trọng nên họ dễ tìm cách che chắn, tác động, cản trở báo chí. Thực tế có vụ việc phóng viên bị đe dọa, hành hung khi phản ánh tiêu cực. Do đó, cơ quan chức năng cần phát huy vai trò và trách nhiệm hơn nữa nhằm bảo vệ các nhà báo, tạo điều kiện cho báo chí vào cuộc vạch trần các hiện tượng, vụ việc tiêu cực, tham nhũng.
Ông Phạm Văn Hòa — Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp
Có trường hợp cơ quan chức năng vào thanh kiểm tra chưa phát hiện được nhưng báo chí lại "khui" ra từ các nguồn tin tin cậy và qua đó vụ việc được xử lý, người vi phạm bị trừng trị trước pháp luật.
Với trách nhiệm và ngòi bút của mình, nhà báo đã tham gia tìm những kẽ hở, mánh lới làm ăn gian dối, móc ngoặc lợi ích nhóm để đưa ra ánh sáng nhiều vụ vấn đề cụ thể, bức xúc, nhạy cảm, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tạo sự tin tưởng trong quần chúng nhân dân.
Hành vi đe dọa phóng viên tham gia viết bài vạch trần tiêu cực đã xảy ra, do đó, cơ quan có trách nhiệm cần vào cuộc bảo vệ những nhà báo trung thực, khách quan mạnh dạn dấn thân đưa lên mặt báo những tiêu cực là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, để báo chí đóng góp hiệu quả hơn nữa trong phòng chống tham nhũng, loại trừ những cán bộ không xứng đáng.
Nguồn: vov