Theo quan điểm của tác giả, ở cấp cao Trung Quốc luôn tích cực sử dụng các phương tiện tài chính và chuyến công du chính thức của các thành viên giới tinh hoa cầm quyền, còn với những công dân bình thường thì Bắc Kinh dùng các kênh như Viện Khổng Tử, liên hệ giữa các thành phố kết nghĩa, đài phát thanh quốc tế. Trong những năm 2000 — 2016, Trung Quốc đã phân bổ cho các đối tác của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương gần 46 tỷ USD rót vào những đề án cơ sở hạ tầng.
Những năm gần đây, tần suất sử dụng các công cụ này đã nhân lên nhiều lần. Một số nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á thường quen chỉ nhìn vào Bắc Kinh như là một nguồn tài trợ. Nhưng điều khiến tác giả bài viết kinh ngạc trong vấn đề này là phản ứng của các cộng đồng cư dân địa phương trước hoạt tính ngoại giao của Trung Quốc — đó là phản ứng tiêu cực, khơi lên các cuộc biểu tình, đẩy tăng tâm thế bài Trung. Tác giả Richard Heydarian thấy xác nhận cho điều đó trong những sự kiện gần đây ở Malaysia. Tại đất nước này, Thủ tướng Najib Razak, người đặc biệt ưa thích sự hỗ trợ của Bắc Kinh, đã bị thất bại trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Năm. Một trong những nguyên nhân khiến dân chúng mất lòng tin vào Najib là sự thiếu trung thực — ông ta hứng những cáo buộc nghiêm trọng về tội tham nhũng.
Nhìn lại vài năm trước, nhà báo phát hiện thêm một số nhân vật đứng đầu Nhà nước có mối quan hệ mật thiết đặc biệt với Bắc Kinh, nhưng không được cư dân ủng hộ trong các cuộc bầu cử do tội phạm tham nhũng. Đó là chuyện nói về cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Như vậy, "những người bạn" của Bắc Kinh ít nhất cũng là chính trị gia không trung thực. Và Richard Heydarian cho rằng đây chính là chỗ yếu, là "gót chân Achilles" của nền ngoại giao Trung Quốc.
Liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc và cố vấn của họ, trong đó có các quan chức Bộ Ngoại giao, có lỗi gì chăng khi thường gặp gỡ, tiến hành đàm phán và dành sự hỗ trợ cho các chính khách không trong sạch như vậy? Nhiều khả năng là Bắc Kinh biết rõ mỗi người trong số đó hành xử thế nào. Có lẽ thậm chí còn khai thác sử dụng lòng tham hoặc mong muốn làm giàu của chính khách này hoặc nhà lãnh đạo kia để phục vụ cho mục tiêu của Trung Quốc. Nhưng mặt khác, chẳng lẽ lại không nên duy trì tiếp xúc liên lạc chính thức với vị Tổng thống được dân bầu, bởi theo Hiến pháp thì nhà lãnh đạo cao cấp đó là nhân vật chính đại diện cho đất nước mình trong bang giao đối ngoại?
Trong tương quan này sẽ đúng chỗ nếu nhắc tới ba vị Tổng thống Hàn Quốc — Chun Doo-hwan, Roh Tae-woo và Park Geun-hye, những nhân vật đã nhận nhiều hối lộ nên sau khi rời chức vụ là nhận án tù dài hạn vì tội tham nhũng. Thế nhưng khi ba người này còn là Tổng thống đều từng gặp gỡ tiếp xúc với các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Việt Nam. Làm sao khác được — thể thức ngoại giao và lợi ích quốc gia đòi hỏi điều đó. Các chuẩn mực đạo đức và tinh thần có thể làm gì trong trường hợp này? Và ở đây thực sự có gót chân Achilles của nền ngoại giao ở bất kỳ quốc gia nào.
Về tâm thế bài Trung của cư dân Đông Nam Á, thì nguyên nhân còn ở cội rễ ký ức lịch sử và nỗi lo sợ trước thế lực bành trướng của Trung Quốc, là ấn tượng đậm nét không nhạt phai qua bao thế hệ, bất kể mọi cố gắng của Bắc Kinh để tỏ ra là người hàng xóm tốt.