Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có báo cáo toàn bộ vụ việc liên quan đến những thông tin này, đồng thời giao cho ông Võ Văn Lượng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, trả lời cụ thể.
Trước đó, có thông tin cho rằng vào năm 2014, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã có bút phê vào tài liệu xin không xử phạt hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng cho phía ông Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) gây thất thoát ngân sách trên 1,4 tỉ đồng.
Cụ thể, cuối năm 2012, phía công ty của ông Hệ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thuê đất của Lữ đoàn 434 (Quân đoàn 4) tại P.Bình Hòa, TX.Thuận An (Bình Dương) để cho Công ty vận tải thủy bộ Hải Hà thuê lại kinh doanh xăng dầu. Đinh Ngọc Hệ đã ký quyết định thành lập chi nhánh công ty tại Bình Dương với mục đích xin giấy phép xây dựng, kinh doanh xăng dầu, không liên quan đến nhiệm vụ kinh tế quốc phòng.
"Đại diện Công ty Thái Sơn giải thích xăng kém chất lượng là do đơn vị phòng không không có chỗ chứa, bồn chứa lâu ngày không được súc rửa nên dẫn đến kém chất lượng", ông Lượng nói, đồng thời khẳng định sau đó ông Lê Thanh Cung đã ký bút phê với nội dung:"Đ/c: Cư xem và giúp đỡ", rồi chuyển cho ông Võ Văn Cư (nguyên Giám đốc Sở Công thương Bình Dương). Theo ông Lượng (thời điểm ông Cung bút phê, ông Lượng là Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương — PV), ông Cung chỉ ghi nội dung như vậy ở trên góc trái của xấp văn bản do Công ty Thái Sơn gửi qua, trong đó có cả văn bản, hợp đồng do đại tá Bùi Văn Tiệp, Sư đoàn trưởng (Sư đoàn 367) ký xác nhận là toàn bộ trên 20.000 lít xăng là của Sư đoàn 367 gửi, không bán ra ngoài.
"Theo báo cáo giải trình của Chi cục QLTT Bình Dương, sau khi nhận được các văn bản của bên Công ty Thái Sơn và Sư đoàn 367, Tổ kiểm tra liên ngành đã họp và thống nhất chấp nhận văn bản giải trình của Thái Sơn mà không tổ chức truy xuất nguồn gốc của toàn bộ lô hàng và không xử phạt số tiền trên 1,448 tỉ đồng. QLTT Bình Dương thừa nhận việc không tổ chức truy xuất nguồn gốc số xăng là có sự ưu ái, tôn trọng doanh nghiệp quân đội và lúng túng vì lần đầu tiên làm việc với một doanh nghiệp quân đội".
Út "trọc" còn bị cáo buộc tội gì?
Năm 2012 và 2017, Tổng công ty Thái Sơn dần dần chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho người khác. Mặc dù với danh nghĩa là công ty con của Tổng công ty Thái Sơn nhưng thực chất vốn kinh doanh của Công ty CP PTĐT Thái Sơn Bộ Quốc phòng là của tư nhân, do Đinh Ngọc Hệ trực tiếp điều hành.
Khi được miễn nhiều tỉ đồng tiền thuế trước bạ và cho đăng ký hàng chục xe, ông Hệ chỉ đạo đồng phạm đưa những xe này cho cá nhân, tổ chức thuê, mượn, thế chấp các tổ chức tín dụng hoặc bảo lãnh tiền vay dẫn đến nhiều đơn thư tố cáo. Hành vi của Đinh Ngọc Hệ đã gây thất thoát nhiều tỉ đồng thuế trước bạ và bị cáo đã thu lợi trên 6 tỉ đồng từ hành vi cho thuê, mượn, thế chấp… ô tô không đúng quy định pháp luật.
Theo: Thanh Niên