Nếu Mỹ và châu Âu dàn xếp được những bất đồng thương mại thì Mỹ chỉ còn "đấu " chủ yếu với Trung Quốc. Nhưng phần thắng sẽ nghiêng về bên nào thật khó nói, theo giáo sư kinh tế Joseph Stiglitz trong một bài viết trên báo Project Syndicate.
Ông chỉ ra rằng, thứ nhất, kinh tế vĩ mô luôn chiếm ưu thế: Nếu đầu tư nội địa của Mỹ tiếp tục vượt quá mức tiết kiệm thì nước này sẽ phải nhập vốn và chịu thâm hụt thương mại rất lớn. Tồi tệ hơn, do các mức cắt giảm thuế được ban hành từ cuối năm ngoái, thâm hụt ngân sách của Mỹ sắp đạt tới những kỷ lục mới — dự báo mới đây sẽ vượt quá 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Điều này có nghĩa thâm hụt thương mại chắc chắn tăng lên, bất kể kết quả của chiến tranh thương mại thế nào. Cách duy nhất không xảy ra là Tổng thống Trump dẫn dắt Mỹ vào một cuộc suy thoái, với thu nhập giảm bớt khiến đầu tư và nhập khẩu lao dốc.
Một kết cục "tốt nhất" từ trọng tâm của Tổng Trump về thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ là cải thiện cán cân song phương, bù đắp bằng cách tăng một lượng tương đương trong thâm hụt với một nước (hoặc nhiều nước) nào đó. Mỹ có thể bán thêm khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc và mua ít máy giặt hơn; nhưng lại bán ít khí đốt tự nhiên hơn và mua máy giặt hoặc hàng hóa nào đó từ nước khác. Nhưng do Mỹ can thiệp vào thị trường nên sẽ phải trả nhiều hơn cho nhập khẩu và nhận được ít hơn cho xuất khẩu. Nói tóm lại, kết quả tốt nhất là Mỹ sẽ còn tồi tệ hơn bây giờ.
Hiện nay đang có những điều chỉnh nhanh chóng rõ ràng: Trung Quốc có thể mua thêm dầu của Mỹ rồi sau đó bán lại cho nước khác. Điều này sẽ không tạo ra khác biệt, thậm chí còn làm tăng nhẹ chi phí giao dịch. Nhưng Tổng thống Trump có thể lớn tiếng nói ông đã loại bỏ được thâm hụt thương mại song phương.
Trên thực tế, việc giảm đáng kể thâm hụt thương mại song phương thực sự là điều vô cùng khó khăn. Vì nhu cầu hàng hóa Trung Quốc giảm, tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ sẽ suy yếu, kể cả không có sự can thiệp của chính phủ. Điều này một phần sẽ bù đắp tác động của thuế Mỹ; đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của Trung Quốc với các nước khác. Và nó vẫn đúng ngay cả nếu Trung Quốc không sử dụng các công cụ khác có trong tay, như kiểm soát giá và lương hoặc đẩy mạnh gia tăng sản xuất. Thâm hụt thương mại tổng thể của Trung Quốc, cũng như của Mỹ, là do kinh tế vĩ mô của nước này quyết định.
Cụ thể hơn: nếu mục tiêu của Tổng thống Trump là ngăn Trung Quốc theo đuổi chính sách "Made in China 2025 " — khởi đầu từ năm 2015 nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa Trung Quốc và các nước tân tiến — thì ông gần như chắc chắn sẽ thất bại. Ngược lại, hành động của ông sẽ chỉ càng khiến lãnh đạo Trung Quốc tăng thêm quyết tâm thúc đẩy đổi mới và đạt được ưu thế công nghệ, vì họ nhận ra mình không thể dựa vào người khác.
Sự hậu thuẫn của dân chúng thậm chí giảm bớt khi người Mỹ nhận ra họ mất gấp đôi từ cuộc chiến này: việc làm biến mất, không chỉ bởi các đòn trả đũa của Bắc Kinh, mà còn vì thuế Mỹ làm tăng giá hàng hóa xuất khẩu và khiến chúng bớt tính cạnh tranh; và họ phải mua hàng đắt hơn. Điều này có thể đẩy tỷ giá đồng đôla giảm xuống và làm tăng lạm phát ở Mỹ. Cục Dự trữ liên bang (Fed) khi đó có thể sẽ tăng lãi suất, dẫn tới đầu tư và tăng trưởng yếu đi trong khi thất nghiệp nhiều hơn.
Theo: Project Syndicate, VNN