Việc giới trẻ Việt vô tư âu yếm, diễn "cảnh nóng" ngay nơi công cộng đang gây ra nhiều tranh cãi. Gần đây, đoạn clip ghi lại cảnh một cặp đôi vô tư thân mật thái quá trong rạp chiếu phim đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận.
Trước đó, nhiều đoạn clip thân mật tương tự cũng từng bị chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn của giới trẻ. Cụ thể, vào năm 2016, một cặp đôi âu yếm nhau thái quá ở quán trà chanh tại Hà Nội, bất chấp ánh nhìn của mọi người xung quanh.
Trong đoạn video, hai người vừa trò chuyện vừa liên tục ôm hôn nhau. Chàng trai thản nhiên chạm tay vào vòng một của bạn gái, dù xung quanh có nhiều người đang ngồi trò chuyện.
Tương tự, cũng trong năm 2016, đôi bạn mặc đồng phục học sinh thản nhiên ôm ấp nhau ngay trong trung tâm thương mại lớn của TP.HCM.
Hành động của cô cậu học sinh ngay lập tức bị mọi người lên án, cho rằng họ không tôn trọng người khác, hoàn toàn không phù hợp với văn hóa của người Việt.
Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất phân tích: "Việc giới trẻ có hành vi thân mật thái quá nơi công cộng là hồi chuông đáng báo động. Văn hóa phương Tây cho phép mọi người thể hiện tình cảm nơi công cộng nhưng có chừng mực, không cổ súy cho việc vô tư sờ soạng, đụng chạm nhau nơi đông người. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, cuộc sống đầy đủ vật chất, chế độ dinh dưỡng khá đầy đủ nên trẻ em dậy thì sớm hơn trước đây. Giới trẻ tiếp xúc sớm với phim ảnh, internet. Những hình ảnh nhạy cảm tràn lan này dễ tác động đến tâm lý, nhận thức của các em. Vì vậy, các em cho rằng việc đó là bình thường nên không còn dè dặt, ý tứ mà sẵn sàng biểu hiện hành vi phản cảm nơi công cộng".
Theo ông An Chất, nhiều bậc cha mẹ lại đang bị cuộc sống hiện đại cuốn đi, vòng xoáy công việc, áp lực kiếm tiền khiến họ mệt mỏi, không còn thời gian, tâm trí để quan tâm, định hướng con mình.
Ông cũng đưa ra lời khuyên đến các bậc làm cha làm mẹ, cần phải gặp gỡ, tìm hiểu nguyên nhân và định hướng cho trẻ.
Từ đó, nắm bắt tính cách, tâm lý của con. Dành thời gian tâm sự, trò chuyện gần gũi như người bạn để giúp con điều chỉnh hành vi phù hợp, không vội suy diễn quá mức khiến trẻ dễ bị tổn thương.
"Ở lứa tuổi vị thành niên, các em chưa đủ tỉnh táo để chọn lọc điều gì nên học hỏi, điều gì nên tránh. Bởi vậy, nhà trường cũng cần phải có các phương pháp giáo dục đạo đức, hướng dẫn kỹ năng sống giúp học sinh ứng xử đúng đắn với các hình ảnh nhạy cảm trên mạng. Qua đó, các em sẽ tự điều chỉnh hành vi và lối sống của mình. Với lứa tuổi trưởng thành, các bạn trẻ nên kiểm soát bản năng và bản thân để tránh những 'cảnh nóng', gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Phải đặt sự văn minh, chuẩn mực văn hóa ngoài xã hội lên trên bản năng ham muốn của mình. Như vậy sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc" — chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.
Nguồn: vietnamnet