Theo New York Times, một trong những cuộc đối đầu nguy hiểm nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng dần lên với sự xuất hiện của tàu chiến, máy bay ném bom, tuyên bố đe dọa lẫn nhau — tất cả xuất phát từ nguyên nhân Trung Quốc đang ngày càng nắm giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên phổ biến, rẻ tiền và dễ bị bỏ quên nhất thế giới: Cát.
Trọng tâm của cuộc đối đầu là một loạt các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở biển Đông — vùng biển có ý nghĩa địa chính trị chiến lược vô cùng quan trọng.
Đây là một trong những tuyến đường biển tấp nập nhất trên thế giới và chiếm khoảng 10% chủng loại cá trên thế giới. Đặc biệt, đáy biển cũng chứa hàng tỷ thùng dầu và hàng tỷ feet khối khí thiên nhiên.
Nhưng trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã thực hiện loạt hành động bành trướng lãnh thổ, bao gồm chiếm các đảo đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở biển Đông. Hơn nữa bắt đầu từ năm 2014, nước này đã sử dụng sức mạnh công nghiệp của mình để xây dựng các công trình trái phép ở biển Đông.
The Secret Ingredient to China’s Aggression? Sand https://t.co/EfDb6MzTqI
— Leopoldo Roy Barrit (@lrbarrit) 2 августа 2018 г.
Trung Quốc bành trướng lãnh thổ trái phép
Từ cuối năm 2013, Bắc Kinh thành lập một đội tàu hút bùn, nạo vét hàng triệu tấn cát từ đáy biển và sử dụng nguyên liệu này để mở rộng lãnh thổ phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Trong vòng 18 tháng, các tàu này đã xây dựng gần 3.000 mẫu đất mới (tương đương 12km2).
Hiện nay, công trình quy mô lớn này ngày càng trở nên phổ biến. Trong những thập kỷ gần đây, những tiến bộ trong công nghiệp cho phép quá trình khai thác hạ thấp chi phí, dễ dàng khai thác cát ở những vùng biển sâu và vận chuyển chính xác tới điểm đích.
Tàu nạo vét lớn nhất hiện nay dài hơn 700 feet (khoảng 213m), tương đương với một tòa nhà chung cư 60 tầng. Chúng được trang bị các ống dẫn có thể khai thác cát từ 500 feet dưới mặt nước biển. Từ Singapore đến Hà Lan, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, nhiều quốc gia đang sử dụng chúng để mở rộng bờ biển của họ và thậm chí xây dựng 1 đảo hoàn toàn mới.
Quá trình này thường gây ra thiệt hại rất lớn tới môi trường. Trung Quốc gần đây đã đình chỉ tất cả các dự án cải tạo đất thương mại vì chúng đã gây thiệt hại cho các rạn san hô và các hệ sinh thái ven biển.
Trung Quốc đổ quá nhiều cát vào các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, một nhà sinh học biển Mỹ cho biết, hành động này "đẩy nhanh tốc độ biến mất vĩnh viễn của các rạn san hô trong lịch sử nhân loại."
Bắc Kinh đã lắp đặt hệ thống vũ khí chống tên lửa, đường băng cất hạ cánh cho máy bay quân sự. Các quan chức Mỹ cho rằng, các cấu trúc này được xây dựng để đặt các tên lửa tầm xa, cũng như các cầu cảng có khả năng chứa tàu ngầm hạt nhân.
Theo báo Mỹ, sự bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương làm gia tăng đối đầu giữa nước này với Mỹ và các đồng minh. Gần đây, Mỹ đã cử máy bay chiến đấu B-52 và hai tàu chiến tới khu vực biển Đông.
Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngang nhiên tuyên bố sẽ không "để mất dù 1 tấc đất".
Ngày 14/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động được tiến hành tại hai quần đảo này mà không được phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp, vô giá trị và vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Theo: NYT, Thời Đại