Sau ba phiên họp căng thẳng, sáng 13-8, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Hội đồng Tiền lương Quốc gia (hội đồng) đã bỏ phiếu đưa ra mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Cuộc họp do ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chủ trì.
Phải quyết định bằng bỏ phiếu
Tương tự các phiên họp trước, sau khi lắng nghe bộ phận kỹ thuật trình bày các quan điểm còn khác nhau về mức sống tối thiểu, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện doanh nghiệp) tiếp tục nhượng bộ, chấp nhận tăng lương từ 2% lên 4%. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng hạ mức đề xuất tăng lương từ 8% xuống 6,1%. Do mức chênh lệch vẫn hơn 2% nên hai bên không tìm được tiếng nói chung ở phiên thương lượng.
Cuối cùng, hội đồng chuyển sang phiên bỏ phiếu. Kết quả, 15/15 thành viên thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 bình quân là 5,3%, tương ứng với mức tăng từ 160.000 đến 200.000 đồng, tùy từng vùng.
Đây là phiên bỏ phiếu hiếm hoi nhận được sự đồng thuận của 100% thành viên. Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch hội đồng, khẳng định hai bên cùng chia sẻ, cân nhắc đến các yếu tố đảm bảo mức sống tối thiểu, chia sẻ lợi nhuận, mong muốn doanh nghiệp có tích lũy, có việc làm cho người lao động.
"Chúng tôi khá hài lòng với kết quả trên bởi phương án cuối cùng hài hòa cho cả hai bên" — ông Diệp nói.
Thách thức cho doanh nghiệp
Trả lời báo chí sau cuộc họp, PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, chia sẻ: "Tổng Liên đoàn Lao động mong muốn tăng cao hơn nhưng đây là phương án cuối cùng. Như vậy, sang năm 2020 sẽ phải tăng ở mức gần 10% mới đạt được yêu cầu năm 2020 lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 đề ra".
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng kết quả này là thách thức lớn cho diễn biến của mùa đàm phán năm 2019. "Hiện doanh nghiệp đang đương đầu với câu chuyện cạnh tranh trong và ngoài nước. Chúng tôi cần sự chia sẻ của các cấp và người lao động trong mục tiêu tạo việc làm đàng hoàng cho người lao động" — ông Phòng nhấn mạnh.
Với góc độ chuyên gia, ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng mức đề xuất tăng 5,3% là một kết quả tạm chấp nhận được.
"Tất nhiên, người lao động sẽ muốn tăng cao hơn nhưng cần lưu ý tới "sức khỏe" của doanh nghiệp. Mức 5,3% thể hiện sự hài hòa quyền lợi giữa các bên, đáp ứng được tỉ số trượt giá và "dưỡng sức" cho doanh nghiệp" — ông Huân nhận xét.
Trên cơ sở kết quả này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình dự thảo nghị định lương tối thiểu vùng năm 2019 để báo cáo Chính phủ. Sau khi Chính phủ thông qua thì mức lương này sẽ được áp dụng trong năm 2019.