Ông Trần Đức Quý — Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: "Muốn cấp sổ đỏ mới, gia đình họ Vương cần chứng minh được quyền thừa kế hợp pháp".
Tuy nhiên, câu trả lời của lãnh đạo tỉnh Hà Giang khiến ông Vương Duy Bảo (người đại diện gia đình họ Vương hiện nay) bất bình.
Ông Bảo nhấn mạnh, đất của nhà họ Vương hàng trăm năm nay, không cần phải chứng minh. Theo cháu nội của "Vua Mèo", nếu lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã thừa nhận việc cấp sổ đỏ dinh thự "Vua Mèo" cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn là sai thì phải được thể hiện bằng văn bản và có thông báo đến gia đình họ Vương.
Trả lời Lao Động, ông Vương Duy Bảo khẳng định, yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về việc buộc gia đình ông phải chứng minh quyền thừa kế hợp pháp thì mới được cấp sổ đỏ là hoàn toàn vô lý.
"Hiện nay, khu nhà Vương là cơ nghiệp của tổ tiên hàng trăm năm. Đến nay, nhà họ Vương vẫn sinh sống trên mảnh đất đó. Việc buộc chúng tôi phải chứng minh quyền thừa kế hợp pháp là cố tình làm khó. Các hộ gia đình người Mông sống trong khu nhà Vương từ trước đến nay cũng không được chính quyền hướng dẫn hay hỗ trợ để làm sổ đỏ", ông Bảo nói.
Theo ông, "Vua Mèo" Vương Chí Sình là người có uy tín và sự ảnh hưởng rất lớn đối với dân tộc Mông. Từ năm 1945, Vương Chí Sình đã sử dụng toàn bộ lực lượng của mình để trông coi vùng đất Hà Giang cho cách mạng gồm 4 huyện: Quảng Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Đến năm 1954, ông bàn giao lại các cơ sở cho cách mạng và trở về Hà Nội.
Tòa dinh thự "Vua Mèo" khởi công năm 1898 đến năm 1903 thì khánh thành. Đây là tác phẩm kiến trúc có sự kết hợp hòa quyện giữa 3 dòng văn hóa gồm Trung Quốc, Pháp và Mông. Ở thời điểm đó, kinh phí xây dựng dinh thự được ước tính khoảng 15.000 đồng bạc hoa xòe (tương đương 150 tỉ đồng).
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, các cơ quan chức năng cần phải tiến hành cấp sổ đỏ mới về dinh thự cho dòng họ Vương. Theo luật sư, đất của nhà họ Vương đã tồn tại hàng trăm năm nay. Xét về góc độ pháp lý thì đương nhiên không ai phải chứng minh gì nữa cả.
Theo luật sư Tú, việc thu hồi sổ đỏ cũ chứng tỏ lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã thừa nhận sai. Và sai thì phải sửa bằng cách cấp sổ mới cho gia đình họ Vương. Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng cần tích cực thực hiện trên tinh thần tự nguyện, sửa sai để giải quyết và khắc phục những hệ quả cũ do việc cấp phép sổ đỏ sai quy định trước đó để lại.
"Di tích khu nhà Vương là một công trình đặc biệt có ý nghĩa cả về văn hóa và lịch sử. Không thể vì những lùm xùm như việc cấp sổ đỏ mà làm ảnh hưởng đến công trình kiến trúc và những người có quyền thừa hưởng chính đáng", — luật sư Tú chia sẻ.