Hơn một ngày sau khi bão Jebi đi qua, Hồng Tú, ở Osaka, Nhật Bản, mới hoàn hồn. Điện mất, siêu thị gần như cạn kiệt thực phẩm, nữ du học sinh người Việt mang chiếc bụng đói meo ra đường nghe ngóng tình hình và tranh thủ qua nhà bạn sạc pin cho chiếc điện thoại đã sập nguồn.
"Có lẽ từ khi sinh ra đến nay, đây là lần đầu tôi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng và cảm thấy sợ hãi đến thế", Tú chia sẻ với VnExpress.
Trưa 4/9, Jebi, cơn bão mạnh nhất trong 25 năm ở Nhật Bản đổ bộ vào Osaka. Ở trong nhà trọ cùng bạn, Tú bắt đầu run lên khi nghe thấy tiếng gió rít ngày một rõ hơn.
"Lần đầu tiên ở trong nhà mà tôi sợ nhà sẽ bay mất", cô kể. "Gió quá lớn, tưởng như sắp thổi tung tất cả. Chúng tôi không còn cách nào khác phải lấy hết sức chống tay vào kính, hy vọng ngăn được gió bật cửa".
Cứ như thế, hai du học sinh đứng giữ cửa kính suốt hơn một tiếng trong căn nhà đang rung lắc dữ dội được làm bằng gỗ ép, loại vật liệu xây dựng nhẹ thường được Nhật Bản sử dụng nhằm giảm thiểu nguy hiểm khi động đất xảy ra.
"Mỗi lần nghe gió rít qua cửa, tôi như đứng tim", Tú kể. "Tôi chắp tay, miệng không ngừng cầu khấn cho bão nhanh tan và mọi người bình an".
Cũng ở Osaka, Nguyễn Hà, người mới qua Nhật làm việc được 3 tháng, lần đầu trong đời trải qua cơn bão có sức mạnh dữ dội như thế. Viện dưỡng lão mà cô làm việc nằm ngay ven biển, được xây dựng rất kiên cố với các cửa kính dày 2-3 lớp để đề phòng thiên tai nhưng cũng không tránh khỏi rung lắc khi bão Jebi đổ bộ.
Toàn bộ các cụ già được sơ tán đến nơi an toàn, trong khi các nhân viên điều dưỡng đóng chặt cửa, kéo rèm, đề phòng kính vỡ.
"Buổi sáng khi tôi đi làm, trời vẫn còn trong xanh nhưng đến trưa thì bão về, mưa to", cô kể. "Loa ở viện liên tục phát báo động khẩn. Tòa nhà rung lắc như có động đất. Một lát sau, chuông báo cháy ở tầng một vang lên. Lúc đó, tôi đã thầm nghĩ rằng mình không thể bỏ mạng ở đây được, có chết cũng phải trở về Việt Nam".
May mắn Hà và đồng nghiệp cũng như các cụ già trong viện không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên sau bão, viện bị mất điện hơn một ngày do đường dây bị chập. Các máy giặt để ở hành lang bị gió thổi bay, một số xe hơi ở bãi đỗ cũng bị lật tung.
Sự lạc quan và nỗ lực của người Nhật trong bão
Tú cho hay sang Nhật học tập 3 năm nay, cô từng trải qua trận động đất mạnh hồi tháng 6 nhưng chưa bao giờ chứng kiến một cơn bão lớn đến thế. Nhìn khung cảnh hoang tàn ở những nơi bão Jebi quét qua, cô cảm thấy mình may mắn khi vẫn còn sống sót và không bị thiệt hại gì.
Ít nhất 11 người đã thiệt mạng do bão. Cách nhà Tú không xa, cây cầu dẫn tới sân bay quốc tế Kansai bị hư hỏng nặng, khiến khoảng 3.000 hành khách mắc kẹt. Toàn khu vực rơi vào cảnh mất điện, nước và gas. Cây cổ đổ rạp, đèn giao thông hỏng nên các phương tiện bị ùn tắc.Tuy nhiên, không khí sau khi thiên tai đi qua không hề u ám như Tú tưởng tượng.
"Đi xuống đường, tôi mới thấy lòng người dân Nhật Bản. Ai qua đường cũng nhìn tôi mỉm cười, hỏi han và cúi đầu chào như để động viên rằng bão đã qua rồi", Tú kể.
Hà cũng cảm thấy may mắn khi có các đồng nghiệp Nhật Bản lạc quan cùng trải qua cơn bão lớn. Thay vì sợ hãi, họ tập trung lại với nhau, trò chuyện và bật đèn pin cùng hát hò để thời gian trôi qua nhanh.
Cả hai cô gái Việt còn rất ngạc nhiên và khâm phục tốc độ khắc phục hậu quả thiên tai ở đây.
"Người Nhật khắc phục hậu quả bão rất nhanh. Các công nhân sửa chữa đường điện và nhân viên cứu hộ làm việc xuyên đêm khi mọi người đã đi ngủ hết", Tú kể.
"Sáng sớm hôm sau, đường sá và đường tàu điện đã thông suốt, mọi người sinh hoạt như chưa từng có bão", Hà kể trong sự kinh ngạc. "Hầu như các nơi đã có điện trở lại".
Sau trải nghiệm khó quên lần này, Tú cho hay mình không chỉ đồng cảm với những thiên tai mà Nhật Bản phải hứng chịu mà còn thấy yêu mến đất nước và con người ở đây nhiều hơn.
"Tôi chợt nhận ra rằng sóng gió nào rồi cũng qua đi, bình yên sẽ trở lại. Bầu trời Nhật Bản hôm nay đã có nắng rồi và mọi người đang tích cực khôi phục những thứ đổ vỡ", Tú nói.