Cụ thể, theo phản ánh của báo Đất Việt, từ ngày 1/11, hàng dệt may và kim loại nhập khẩu sẽ bị đánh thuế 8,4% thay vì mức 11,5% hiện nay. Thuế đối với giấy và các sản phẩm từ gỗ, khoáng sản và đá quý sẽ giảm từ 6,6% xuống 5,4%.
Mới đây, chính phủ Trung Quốc cũng công bố kế hoạch giảm thuế đối với máy móc, thiết bị điện và các sản phẩm dệt may từ ngày 1/11.
Như vậy, mức thuế chung cho hàng hóa sẽ giảm xuống 7,5% trong năm nay, từ mức 9,8% của năm 2017.
Trung Quốc đưa ra chính sách cắt giảm thuế nhập khẩu trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm vào hàng Trung Quốc và chỉ vài ngày sau khi ông Trump áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước đó vào tháng 8, ông Trump có hành động tương tự với gói thuế 50 tỷ USD. Vào cuối năm nay, mức thuế 10% của Mỹ sẽ được nâng lên 25%.
Ông Chang Shu, chuyên gia kinh tế của Bloomberg cho rằng, động thái này của Trung Quốc có thể đẩy mạnh tiêu dùng nội địa để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Trên báo Diễn đàn doanh nghiệp, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc tiếp cận thị trường Trung Quốc vẫn bị hạn chế đối với một số nước.
"Đây có thể là một kế hoãn binh của Trung Quốc khi cuộc chiến thương mại với Mỹ đã gây ra nhiều tổn thương cho kinh tế nước này. Ngoài ra, Trung Quốc có thể thông qua việc giảm thuế nhập khẩu để lôi kéo các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… thành đồng minh của mình", ông Hiếu nhận định.
"Việc Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu sẽ là cơ hội cho Việt Nam giảm nhập siêu với quốc gia này. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt chủ yếu xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch nên dễ bị thương lái Trung Quốc qua mặt. Do đó, các doanh nghiệp nội cần hạn chế kinh doanh chênh lệch giá với thương lái Trung Quốc qua đường tiểu ngạch", ông Thắng nhấn mạnh.