Nước vay tiền ngồi ghế thương gia, nước cho vay lại ngồi hạng phổ thông
Sau khi tham gia tọa đàm góc nhìn chuyên gia về dự thảo dự toán ngân sách năm 2019, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh đã chia sẻ thêm với Đất Việt nhiều câu chuyện để chứng minh cho nghịch lý trong điều hành, quản lý ngân sách khiến chi thường xuyên cao, nhiều khoản chi không cần thiết.
"Có rất nhiều khoản chi trùng lặp, không cần thiết khiến chi thường xuyên tăng cao, quá sức chịu đựng của ngân sách nhà nước" — TS Lê Đăng Doanh bày tỏ lo ngại.
Dẫn chứng cụ thể cho các khoản chi không cần thiết, TS Lê Đăng Doanh kể:
"Trong cùng một chuyến công tác từ Hà Nội đi TP HCM, thứ trưởng của chúng ta thì ngồi hạng thương gia, trong khi lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cùng với đại sứ của các nước đang cho chúng ta vay tiền họ đều ngồi ghế hạng phổ thông, trao đổi với nhau những câu chuyện bên lề rất vui vẻ. Tôi cũng chính là người tham gia chuyến bay và tôi cũng ngồi cùng hạng phổ thông với họ".
TS Lê Đăng Doanh cho biết, luật pháp các nước quy định rất chặt chẽ dành cho cán bộ đi công tác bằng máy bay.
Ví dụ trong các chuyến đi công tác chặng dài phải bay từ 5 giờ đến 8 giờ thì mới được ngồi hạng thương gia để đảm bảo khi đến nơi có đủ sức khỏe để làm việc được ngay.
Còn những chặng bay ngắn thì đi hạng phổ thông, như bay Hà Nội vào TP HCM chỉ mất 1 giờ 45 phút bay, không cần phải đi hạng thương gia.
"Việt Nam thì khác. Quy định là quy định chung, không dựa vào chặng đường dài — ngắn mà phân theo cấp bậc nên mới có câu chuyện thứ trưởng của mình thì ngồi ghế thương gia trong khi lãnh đạo các nước cho vay tiền lại ngồi ghế phổ thông.
Nguyên Viện trưởng CIEM còn nêu thêm nhiều ví dụ khác minh chứng cho rất nhiều "chế độ" chi từ ngân sách không phù hợp với thông lệ quốc tế, mang nặng tư duy "đẳng cấp", có màu sắc phong kiến.
"Trước đây, lãnh đạo của chúng ta đi xe Lada vẫn an toàn. Nay lại quy định cấp nào thì đi xe bao nhiêu tiền, đắt hơn rất nhiều so với trước đây trong khi bội chi ngân sách vẫn cao, vẫn vay nợ mới để trả nợ cũ… Đấy là tôi còn thấy cả một ông cấp phó mà tôi không tiện nêu tên, cũng ngồi hạng thương gia. Tôi cũng còn thấy rất nhiều người đi việc riêng như về ăn giỗ cũng đi hạng thương gia…", TS Lê Đăng Doanh kể và cảnh báo "hãy cải cách có hiệu quả trước khi quá muộn".
Thay đổi được không?
"Dù bây giờ chi thường xuyên đã giảm được xuống khoảng 63% (trước đây chi thường xuyên chiếm 70% tổng chi ngân sách) nhưng tỉ lệ trên vẫn còn rất cao. Khi vẫn tồn tại các quy định chi tiêu một cách tùy tiện như: lấy ngân sách chi cho đi nước ngoài nghiên cứu; chi cho cán bộ đi nước ngoài học tập, đi du lịch… thì nghịch cảnh, mâu thuẫn trong chi thường xuyên còn xảy ra", TS Lê Đăng Doanh nói.
"Nếu ở Hà Lan, Thủ tướng đi làm bằng xe đạp thì ở Việt Nam Thứ trưởng vẫn đi xe công tiền tỷ đi làm. Chính vì tồn tại sự bất cập như vậy nên mới sinh ra tâm lý quan khác với dân thì cơ chế đãi ngộ cũng phải khác", ông Doanh nêu.
Từ những câu chuyện đã nêu, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, việc chi tiêu bất hợp lý như trên đã khiến cho chi thường xuyên quá cao, quá sức chịu đựng của nền kinh tế. Đây là điều bất hợp lý. Cần phải xem xét cắt giảm các khoản chi không cần thiết để giảm gánh nặng cho quốc gia.