Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Iran Pir Mohammad Mollazehi nghiên cứu Afghanistan, Ấn Độ và Pakistan, cũng như nhà khoa học chính trị Reza Rezakhah chuyên nghiên cứu Mỹ đã nêu ý kiến về khả năng phát triển sự kiện xung quanh hải cảng chiến lược Chabahar.
Ông Mollazehi cho rằng việc biến cảng Chabahar thành một trung tâm giao thông lớn đồng thời sẽ nâng cao vai trò của Iran trong khu vực, cũng như dẫn đến sự phát triển ở các tỉnh miền đông đất nước.
"Chabahar là cảng duy nhất nằm bên ngoài vịnh Ba Tư có lối thông ra đại dương, chiếm giữ tầm quan trọng chiến lược đối với Iran. Tuy nhiên, ý nghĩa không chỉ ở vấn đề này. Hai cảng — Chabahar và Gwadar ở Ấn Độ — đều đòi hỏi sự chú ý cao độ liên tục. Trong chừng mực Trung Quốc đầu tư vào Gwadar, còn Ấn Độ — vào Chabahar, các nước này đang cạnh tranh lẫn nhau ở tầm khu vực. Vì thế Chabahar quan trọng đối với Iran không những trên bình diện chiến lược, mà còn vì hai lý do khác nữa. Thứ nhất, nếu Chabahar biến thành hải cảng để sản phẩm xuất-nhập khẩu từ Afghanistan và các nước Trung Á đi qua, và nó có thể kết nối những nước này với thế giới bên ngoài thông qua đường biển, tự nhiên vai trò của Iran trong khu vực sẽ tăng lên. Thứ hai, sự phát triển của cảng Chabahar sẽ dẫn đến phát triển cơ sở hạ tầng ở miền đông Iran. Chẳng hạn, nếu mạng lưới giao thông và đường sắt đi qua Chabahar đến Zahedan, sau đó đến South Khorasan và tiếp đến Afghanistan và Turkmenistan, thì điều này sẽ tác động đến nền kinh tế ở các đô thị Bandar-Abbas, Hormozgan, ở các khu vực phía nam của tỉnh Kerman, Sistan và Baluchestan cũng như ở South Khorasan", — ông phân tích.
"Các nhà đầu tư bỏ vốn vào Chabahar, mà trước hết là Ấn Độ, đều xem cảng này như một phương tiện để thực hiện tham vọng dài hạn của họ, cũng như là một công cụ chiến lược để cạnh tranh với Trung Quốc. Nhìn bên ngoài thì có vẻ như Hoa Kỳ đang loại bỏ chướng ngại vật đối với đà phát triển cảng, nhưng thực tế không phải như vậy. Giả sử đúng thế thì Ấn Độ sẽ không đầu tư vào cảng nữa. Như đang thấy, rõ ràng, chính bởi hiện diện của Trung Quốc ở Gwadar nên Hoa Kỳ chọn cách để cho Ấn Độ làm việc tại Chabahar, trong khi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran vẫn là thù địch, miễn là cảng này nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc hoặc các nước châu Âu. Tức là, nếu nhìn từ góc độ này, thì có thể nói rằng Ấn Độ đã được Mỹ "bật đèn xanh" để đầu tư vào Chabahar".