Trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng khẳng định: "Từ trước đến nay, Bộ chưa có văn bản nào quy định việc ưu tiên, tuyển chọn con, cháu của cán bộ, nhân viên công tác trong quân đội vào phục vụ trong lực lượng vũ trang".
Theo Bộ Quốc phòng, hàng năm, Bộ thực hiện công tác tuyển sinh sĩ quan tại các học viện, nhà trường bằng hình thức thi tuyển quốc gia để lựa chọn những thí sinh đủ tiêu chuẩn vào đào tạo cán bộ phục vụ lâu dài trong quân đội.
Đồng thời, tổ chức xét tuyển theo chỉ tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị để đào tạo quân nhân chuyên nghiệp phục vụ quân đội theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng.
Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ, điều 14 và 28 luật Quân nhân chuyên nghiệp công nhân, viên chức quốc phòng năm 2015 đã quy định đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Cụ thể, là công dân Việt Nam thường trú trên lãnh thổ Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe; lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ quân đội nhân dân; có văn bằng chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ hoặc có năng khiếu, kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm đối với công nhân quốc phòng hoặc chức danh nghề nghiệp đối với viên chức quốc phòng.
"Những quy định nêu trên nhằm tuyển chọn, tuyển dụng những người có đức, đủ tài vào phục vụ lâu dài trong lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Bộ Quốc phòng khẳng định.
Hạn tuổi phục vụ tại ngũ với quân hàm cấp tướng là 60
Cử tri lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị kiến nghị xem xét quy định độ tuổi nghỉ hưu của sĩ quan cấp úy tại điều 13 của luật Sĩ quan quân đội nhân dân. Ý kiến cử tri cho rằng, việc nghỉ hưu ở độ tuổi quá sớm gây lãng phí nguồn lực vì thời gian hưởng lương hưu quá dài trong khi đối tượng này được đào tạo chính quy và còn đủ điều kiện về trình độ cũng như sức khỏe để tiếp tục phục vụ quân đội.
Điều 13 của luật này quy định cụ thể về tuổi phục vụ tại ngũ sĩ quan. Cụ thể, hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm của sĩ quan cấp úy: nam 46, nữ 46; thiếu tá: nam 48, nữ 48; trung tá: nam 51, nữ 51; thượng tá: nam 54, nữ 54; đại tá: nam 57, nữ 55; cấp tướng: nam 60, nữ 55.
Luật cũng quy định rõ khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn.
"Việc quy định tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cơ bản phù hợp với nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; quá trình thực hiện không phát sinh vướng mắc lớn", Bộ Quốc phòng khẳng định.
Theo Bộ Quốc phòng, nếu nâng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp úy sẽ phát sinh bất cập trong hoạt động quân sự, nhất là đơn vị cấp cơ sở, gây ùn tắc đội ngũ cán bộ phân đội.