Sau vụ việc cô T. yêu cầu 23 học sinh tát vào mặt e N., Ban giám hiệu Trường trung học cơ sở Duy Ninh đã điều tra học sinh bằng phiếu điều tra có ghi: họ tên, lớp, giới tính, 19 câu hỏi điều tra, chữ ký.
Chia sẻ về vụ việc gây bức xúc dư luận này, nhà giáo Phan Tuyết thẳng thắn cho rằng, hiệu trưởng vô cảm với nỗi đau của học sinh nên từ chức.
Xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Dư luận chắc chắn chưa quên câu chuyện chối tội, quanh co của bà Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên Hà Nội khi chiếc xe cô ngồi đâm gãy chân một học sinh ngay trong sân trường.
Chuyện lẽ ra không đến mức ầm ĩ nếu bà hiệu trưởng xuống xe đưa học sinh đi cấp cứu và nói chuyện với gia đình em. Nhưng, vị hiệu trưởng này lại liên tục phủ nhận việc mình có ngồi trong ô tô đi vào sân trường.
Chẳng lo gì sức khỏe của học trò, chỉ muốn khẳng định mình vô tội nữ hiệu trưởng đã cho làm khảo sát đối với học sinh toàn trường trong đó có câu hỏi: "…Có thấy ô tô vào trường trong giờ ra chơi hay không?".
Trò bẩn của bà hiệu trưởng đã bị chính giáo viên trong trường bức xúc tố cáo, vạch trần. Kết cục hiệu trưởng nhà trường đã bị cách chức vì không đủ tư cách làm lãnh đạo.
Tưởng câu chuyện dùng phiếu khảo sát thăm dò ấy sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những ai mắc lỗi đang có ý định gian trá như thế.
Thì nay, "lịch sử" đã được lập lại. Sau vụ 231 cái tát vào má một học sinh ở Quảng Bình, hiệu trưởng trường này đã năn nỉ báo chí giữ kín để không làm ảnh hưởng đến việc lên chuẩn quốc gia của trường trong thời gian sắp tới.
Để thực hiện cái ý nghĩ vô cảm, gian trá ấy, bà hiệu trưởng tiếp tục mắc sai lầm khá nghiêm trọng chẳng khác gì một vài vị đồng nghiệp của mình trước kia.
Ví như "Sau khi tát bạn N. có ở lại học không?". Học sinh đã trả lời "sau khi bị tát N. vẫn ở lại học bình thường đến cuối buổi học (23/23 em trả lời).
N. vào bệnh viện khám và điều trị chứ không phải cấp cứu.
Hay cô Thủy có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không? Cô Thủy không ra lệnh nếu ai tát nhẹ thì bị tát mạnh (23/23 em)…".
Điều kinh khủng hơn, chính bản "điều tra" ấy lại yêu cầu những đứa học trò vô tội, ngây thơ lớp 6 phải điền tên thật của mình vào trong đó.
Cuối phiếu các em cũng phải viết đầy đủ họ tên, ngày tháng và ghi rõ: "Lời khai của em…".
Một số học sinh còn cho biết nhà trường không cho các em nói về hình phạt tát đã diễn ra với N., cùng với các bạn trước đó. Nếu phát hiện ai nói sẽ có hình thức tương xứng vì đó là danh dự của nhà trường.
Vị hiệu trưởng còn ra lệnh không cho bất cứ học sinh nào nói về hình phạt tát đã diễn ra với N., cùng với các bạn trước đó. Nếu phát hiện ai nói sẽ có hình thức tương xứng vì đó là danh dự của nhà trường.
Đây không chỉ là cách mà nhà trường (nơi giáo dục con người) dạy cho học sinh sự bao che, dối trá, im lặng để bảo vệ điều ác mà chính là bằng chứng của sự đe dọa, khủng bố tinh thần học sinh. Nhiều học sinh sẽ có cảm giác lo sợ, bất an nếu mình đã nhỡ lời nói ra với một ai đó.
Với kiểu giáo dục khiếm khuyết này, bà hiệu trưởng đang ươm mầm cho những tính cách xấu trong những đứa trẻ thiện lương. Điều này nguy hại gấp nhiều lần việc cô giáo dùng 231 cái tát vào má học trò. Bởi, việc làm gian dối của bà hiệu trưởng sẽ làm hư cả nhiều thế hệ.
Người đứng đầu một cơ quan giáo dục sao lại có những ý nghĩ thiển cận như thế thì làm sao đủ tư cách, đủ trình độ lãnh đạo được.
Nhiều độc giả nhận định rằng 231 cái tát chỉ vào má một học sinh nhưng việc làm của bà hiệu trưởng lại chính là cái tát trời giáng vào ngành giáo dục.
Những nhà giáo chân chính như chúng tôi cảm thấy đau tận tâm can. Bà hiệu trưởng chỉ còn một cơ hội duy nhất giữ lại chút danh dự cho mình và nhận sự tha thứ của mọi người là hãy đệ đơn xin từ chức đi, đừng bao biện nữa!