Cơ trưởng đã có 8.334 giờ bay
Như đã đưa tin, tối 29/11, chuyến bay VJ356 của VietJet Air chở 207 hành khách và phi hành đoàn từ TPHCM đi Buôn Ma Thuột đã gặp sự cố nghiêm trọng. Trong quá trình hạ cánh, 2 bánh ở càng trước của máy bay bị văng đi, rất may mắn là máy bay đã dừng lại an toàn trên đường cất hạ cánh. Hơn 200 hành khách đã thoát hiểm bằng phao trượt, trong đó có 6 hành khách bị chấn thương.
Giới phân tích hàng không cho biết, tại Việt Nam chưa từng xảy ra sự cố tương tự như máy bay Vietjet hạ cánh xuống Buôn Ma Thuột vừa qua, đây cũng được xem là sự cố hiếm gặp trên thế giới với phân loại mức B — sự cố uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay (mức tai nạn gần xảy ra).
Theo Vietjet Air, điều hành chuyến bay VJ 356 là cơ trưởng người Philippines và cơ phó người Tây Ban Nha, trong đó cơ trưởng có số giờ bay tích lũy là 8.334 giờ. Ngay sau sự cố, Vietjet đã tạm đình chỉ tổ bay để phục vụ công tá điều tra.
Thông thường, một phi công có giờ bay trung bình 500 giờ/năm và bay nhiều nhất là 800 giờ/năm. Như vậy, với giờ bay tích lũy 8.334 giờ thì cơ trưởng của chuyến bay VJ 356 đã có hơn 10 năm trong nghề phi công.
Đối với một chuyến bay, người chỉ huy là thành viên tổ lái, trong đó cơ trưởng là người chỉ huy có quyền cao nhất, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không cho máy bay, người và tài sản trên bay trong thời gian đang khai thác. Cơ trưởng có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc cất cánh, hạ cánh, huỷ bỏ chuyến bay, quay trở lại nơi cất cánh hoặc hạ cánh khẩn cấp.
Về sự cố hạ cánh của máy bay Vietjet vừa xảy ra, nhà chức trách hàng không Việt Nam khẳng định không có lỗi kỹ thuật. Trước khi hạ cánh tình trạng máy bay tốt, tổ lái không yêu cầu mặt đất hỗ trợ kỹ thuật do trục trặc hệ thống càng hay áp suất lốp. Quan trắc tại sân bay Buôn Ma Thuột cho thấy thời tiết tốt, tầm nhìn 10km.
Sân bay Buôn Ma Thuột "làm khó" phi công?
Một phi công cơ trưởng với hơn 20 năm trong nghề, đã từng là phi công đội bay Airbus 321 và điều hành rất nhiều chuyến bay đi/đến từ Buôn Ma Thuột cho biết:
"Buôn Ma Thuột là một sân bay nội địa, cơ sở hạ tầng ở sân bay này không hiện đại và đầy đủ như các sân bay khác. Sân bay Buôn Ma Thuột phương tiện hơi kém, đèn không đầy đủ. Sân bay trên cao nguyên nên không khí loãng.".
Đặc biệt, vị phi công cơ trưởng này đề cập đến hệ thống đường băng của sân bay Buôn Ma Thuột không bằng phẳng 0 độ, trên đường băng có những điểm gồ lên cao, điều này không giống với đường băng của các sân bay khác.
"Tôi không đánh giá về trình độ của phi công, việc này cần chờ kết luận điều tra và giải mã hộp đen máy bay. Nhưng thực tế, nếu phi công không quen sân bay, phi công chủ quan thì sẽ gặp nhiều khó khăn khi cho máy bay đáp xuống Buôn Ma Thuột. Vì đường băng không bằng phẳng, đèn dẫn kém, thời điểm máy bay hạ cánh là ban đêm, vì vậy quy trình hạ cánh khó hơn, đòi hỏi về yêu cầu kỹ thuật…" — phi công cơ trưởng nói.
Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đã thu thập thông tin, dữ liệu, chứng cứ phục vụ công tác điều tra nguyên nhân sự cố, phối hợp với các cơ quan liên quan giải mã, phân tích dữ liệu hộp đen máy bay. Công tác điều tra sự cố có sự tham gia của nhà chế tạo máy bay Airbus và đại diện nhà chức trách hàng không châu Âu.
Ngày 28/8/2018, chiếc Airbus 320 của Capital Airlines chở 157 hành khách và phi hành đoàn khởi hành từ Bắc Kinh (Trung Quốc) đi Macau đã gặp sự cố trong quá trình chuẩn bị hạ cánh. Vào thời điểm đó, gió mạnh đã khiến càng trước máy bay bị hỏng nặng, các mảnh vỡ bay vào động cơ.
Trong tình huống khẩn nguy này, phi công đã chuyển hướng đưa máy bay hạ cánh khẩn cấp tại sân bay ở Thâm Quyến, cách đó 40km. Khi hạ cánh, máy bay không có bánh trước, 5 hành khách bị thương nhẹ. Sự cố này xếp mức A — tai nạn máy bay.
Vụ việc của Capital Airlines xảy ra trong điều kiện thời tiết xấu, gây bất lợi cho hoạt động hạ cánh. Tuy nhiên, phi công đã đánh giá đúng tình hình và đưa ra quyết chính xác là chuyển hướng đưa máy bay hạ cánh ở sân bay dự bị, nhằm tránh tai nạn thảm khốc.