Đồng thời, một số tác giả nước ngoài bắt đầu viết về những vấn đề trong quá trình thực hiện dự án tàu sân bay của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc gặp vấn đề với dự án đóng tàu sân bay và quá trình xây dựng bị chậm lại hay không? Sau đây là ý kiến của chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin trong bài bình luận cho Sputnik.
Nhiều thông tin trái ngược nhau liên quan đến tiến trình thực hiện dự án tàu sân bay Trung Quốc cho thấy rằng, ý nghĩa chính trị của dự án này là quan trọng hơn nhiều so với sức mạnh chiến đấu thực sự của tàu sân bay. Trong số những đánh giá kỳ lạ nhất có những bài viết trên tờ South China Morning Post và một số tờ báo khác cho biết rằng, tiến trình xây dựng chiếc tàu sân bay nội địa thứ hai của Trung Quốc có thể chậm lại do hậu quả cuộc chiến thương mại. Dường như cuộc chiến thương mại để lại hậu quả là các lỗ thủng ngân sách.
Ngoài ra, một số phương tiện truyền thông nước ngoài dẫn ra dữ liệu cũ về các vấn đề với tiêm kích trên hạm J-15 của Trung Quốc, trong năm 2016 Trung Quốc đã ngưng các chuyến bay thử nghiệm sau vụ tai nạn. Ví dụ, nguồn tin của tờ South China Morning Post lưu ý rằng, Trung Quốc không có loại máy bay chiến đấu để phù hợp với tàu sân bay dự án 002, rằng, động cơ máy bay WS-10H không đủ mạnh để trang bị cho tiêm kích trên hạm.
Trước hết xin lưu ý rằng, tôi không hiểu bằng cách nào cuộc chiến thương mại có thể ảnh hưởng đến ngân sách của dự án, chỉ đơn giản bởi vì ngân sách này đã được chấp thuận trước thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại vào tháng 4-tháng 5 năm 2018. Mặc dù Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn, nhưng, rõ ràng đây không phải là những vấn đề lớn đến mức phải cắt giảm ngân sách quốc gia — biện pháp này sẽ động chạm đến nhiều dự án, và thực tế này không thể giấu giếm được.
Một đặc tính của dự án 002 là việc tàu sân bay sẽ được trang bị máy phóng máy bay bằng điện từ thay cho bàn đạp — máy phóng bằng điện được trang bị cho tàu sân bay Liên Xô Admiral Kuznetsov và các phiên bản Trung Quốc của nó. Tuy nhiên, những tuyên bố về việc Trung Quốc không có loại máy bay để phù hợp cho tàu sân bay mới là hoàn toàn sai trái. Trên thực tế, Trung Quốc đã thử nghiệm phiên bản tiêm kích hạm J-15 với càng trước máy bay được hoàn thiện để cất cánh bằng máy phóng điện từ.
Tất nhiên, tuổi thọ của động cơ Trung Quốc WS-10 thường thấp hơn so với các mẫu tương tự của Nga. Tuy nhiên, lực lượng không quân Trung Quốc vẫn sử dụng hàng loạt động cơ này. Mặc dù quân đội Trung Quốc phải cung cấp những khoản chi phí đáng kể để thường xuyên thay thế động cơ cũ, nhưng, rõ ràng, từ quan điểm của ban lãnh đạo Trung Quốc, điều quan trọng hơn là tránh phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Ở Trung Quốc đang tiếp tục cuộc tranh luận về những hành vi tương lai của đất nước trong cuộc xung đột với Hoa Kỳ. Có những người muốn áp dụng đường lối đối ngoại cứng rắn hơn. Có những người muốn nhượng bộ hay thậm chí đầu hàng vì cho rằng Trung Quốc không thể thắng trong cuộc xung đột với Hoa Kỳ, vì thế Trung Quốc phải tiếp tục thực thi chính sách đối ngoại thụ động cũ. Tất cả đều sử dụng các cách lập luận khác nhau, và tàu sân bay được nhắc đến thường xuyên bởi vì dự án này đã trở thành một biểu tượng sức mạnh của Trung Quốc. Những rò rỉ thông tin có thể là một phần của cuộc tranh luận này và không phải lúc nào cũng phản ánh đúng tình hình thực tế. Những thông tin về các vấn đề đã xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc công bố chính thức dữ liệu về sự tồn tại của tàu sân bay 002 và nhiều bài viết đánh giá lạc quan kế hoạch của Trung Quốc xây dựng những tàu như vậy.
Trên thực tế, tôi không thấy có lý do gì để cho rằng, cuộc chiến thương mại đang ảnh hưởng đến dự án đóng tàu sân bay Trung Quốc. Khác với chương trình sản xuất tàu ngầm hạt nhân và diesel-điện, tên lửa đạn đạo chống hạm, thủy lôi, cũng như các loại tàu chiến với hệ thống phòng không tiên tiến, dự án này không có tầm quan trọng lớn đối với sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Chính các chương trình nói trên đang thu hút sự chú ý của các chuyên gia nước ngoài phân tích các vấn đề quân sự của Trung Quốc.