Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ ngày 24-12, Thứ trưởng Bộ Văn hóa — thể thao và du lịch (VH-TT&DL) Trịnh Thị Thủy cho biết "có lần tôi đi xe máy và đường khá vắng.
Gặp đèn đỏ tôi dừng xe, nhưng có những ông đằng sau không dừng. Khi họ đi ngang tôi thì mắng:
"Đúng là con nhà quê, có ai đâu mà phải dừng".
"Họ mắng vì thấy mình dừng đèn đỏ cản đường họ. Phải làm thế nào đó những người chấp hành pháp luật giao thông cảm thấy tự hào, người không chấp hành cảm thấy xấu hổ thì mới thành văn hóa ứng xử trong giao thông" — bà Thủy chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, năm 2013 Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với Ủy ban ATGT ban hành quyết định về tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ. Bộ tiêu chí gồm 9 tiêu chí chung và 5 nhóm tiêu chí cho các đối tượng cụ thể với người tham gia giao thông, các cơ quan quản lý nhà nước…
Sau 5 năm thực hiện, ý thức và nhận thức của người tham gia giao thông từng bước được nâng cao thông qua các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức ở các bộ, ngành. Đặc biệt, thế hệ trẻ có ý thức tích cực tham gia tuyên truyền giao thông với nhiều nhóm sinh viên, nhóm tình nguyện tự tổ chức tuyên truyền văn hóa giao thông trực quan, ấn tượng.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật giao thông như phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, vi phạm lòng lề đường. Bà Thủy nhận định:
"Không ở đâu như Việt Nam, cứ mạnh ai người nấy đi, đặc biệt là ở những đô thị vào giờ cao điểm. Ùn tắc giao thông nảy sinh nhiều hệ lụy khiến người dân không còn quan tâm đến trách nhiệm, ý thức chấp hành luật giao thông nữa".
Đại tá Đỗ Thanh Bình — phó cục trưởng Cục CSGT, cho rằng văn hóa giao thông phải tạo thành tổng lực để phê bình những cái vi phạm. Những người chấp hành luật giao thông tạo thành động lực để lấn át những người không chấp hành bỏ ý định vi phạm, để chấp hành tốt hơn.
"Tôi rất suy nghĩ khi Tổng thống Mỹ Obama nói sau này có dịp trở lại Việt Nam sẽ học cách qua đường ở Hà Nội. Thực hiện văn hóa giao thông là an toàn của mọi người, mọi nhà để làm sao hằng năm không mất 8.000 mạng người và rất nhiều người bị di chứng vì tai nạn giao thông" — ông Bình nhìn nhận.
"Tại Hà Nội giao thông vẫn bát nháo, nhất là ở các ngã ba, ngã tư dù có đèn đỏ vào giờ cao điểm. Còn trên đường quốc lộ, trên cao tốc, lái xe cố tình chạy chậm trên làn xe tốc độ cao vẫn chưa bị xử phạt. Nhiều người chưa có ý thức đi vào làn đường bên phải khi chạy dưới tốc độ tối đa khiến lái xe hỗn loạn không theo làn"- ông Uy bức xúc.
Ông Uy cũng chỉ ra có những vi phạm giao thông của lái xe là do tổ chức giao thông chưa hợp lý.
"Nhiều biển báo cắm không phù hợp, cắm lấy lệ cho xong. Đường cao tốc Nội Bài — Lào Cai có cả trăm km chia thành 2 chiều mà toàn vạch liền, không có chỗ vượt. Gặp xe tải đi chậm muốn vượt cũng không được.
Còn ở đường Đại Cồ Việt (Hà Nội) lúc đêm vắng xe, đèn đỏ ở nhánh rẽ phải vẫn để 40 giây. Một mình đợi đèn đỏ 40 giây mà không có ai đi ngang qua nên đa số lái xe chọn cách vượt đèn. Chỗ đó sao không chuyển thành đèn vàng nhấp nháy" — ông Uy dẫn chứng cho việc tổ chức giao thông không tốt làm người tham gia giao thông nhờn luật.