Việc nối lại mối quan hệ bình thường giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Lao động Triều Tiên đóng một vai trò quan trọng trong quá trình ổn định lại tình hình trên Bán đảo Triều Tiên năm 2018, chuyên gia Lyu Chao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc thuộc Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh cho biết.
Trong năm 2018 Hoa Kỳ không thực hiện những hành động cứng rắn, khiêu khích nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình trong khu vực, ông Konstantin Asmolov nhận xét. Bắc Triều Tiên đã thực hiện một vài bước để đáp ứng nguyện vọng này. Trong khi đó, vẫn chưa rõ việc xoa dịu quan hệ Bắc Hàn-Mỹ sẽ kéo dài bao lâu. Chuyên gia Nga nói:
"Cho đến nay, Bắc Triều Tiên vẫn chưa phá vỡ các cơ hội đối thoại, mặc dù Bình Nhưỡng nhiều lần gợi ý rằng, họ có thể thay đổi ý kiến. Trump cũng đang cố gắng duy trì quá trình đối thoại, mặc dù một bộ phận lớn của bộ máy quan liêu Mỹ muốn nối lại chính sách gây áp lực tối đa đối với CHDCND Triều Tiên".
Kim Jong-un và Donald Trump là những người thực dụng. Cả hai ông đều nhận thức được rằng, nếu thiếu vắng sự tin cậy lẫn nhau, gần như không thể đạt được sự thỏa hiệp trong quá trình đàm phán, ông Konstantin Asmolov nói. Điều này đồng nghĩa với sự đầu hàng. Cuộc đụng độ quân sự cũng không phải là một phương án lựa chọn. Do đó, các bên sẽ cố gắng "tạm dừng" tình hình căng thẳng, ổn định lại quan hệ với sự giúp đỡ của những lời hứa phi hạt nhân hóa. Đồng thời, ông Konstantin Asmolov nhắc nhở rằng, Kim Jong-un hết sức thận trọng, ông muốn thoát khỏi tình trạng khi người kế nhiệm tổng thống Mỹ hiện tại lên nắm quyền và tuyên bố rằng tất cả các thỏa thuận của chính quyền cũ với CHDCND Triều Tiên đều không đáp ứng lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
Cần phải lưu ý rằng, chính quyền Donald Trump gọi việc làm dịu tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên là một thành tựu của của ngành ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, sự thật không thể chối cãi là Nga và Trung Quốc đóng góp một phần công lao rất lớn vào quá trình này. Chuyên gia Nga nói:
"Trên thực tế, tình hình đang phát triển đúng theo kế hoạch "đóng băng kép" của Nga và Trung Quốc. Hai quốc gia này ủng hộ ý muốn của Bắc Triều Tiên thiết lập cuộc đối thoại. Đồng thời, họ cho rằng, "nhảy tango cần phải có hai người", nghĩa là những nỗ lực của Bắc Triều Tiên nên được đền đáp. Về phần mình, Hoa Kỳ tuyên bố rằng chỉ sau khi Bắc Triều Tiên giải giáp vũ khí hoàn toàn, mới có thể nói về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt. Matxcơva và Bắc Kinh giữ lập trường khác, họ cho rằng, Bắc Triều Tiên thể hiện thiện chí khi đề xuất sáng kiến thiết lập cuộc đối thoại. Còn Hoa Kỳ và Hàn Quốc tin rằng, họ đã gây áp lực lên Kim Jong-un bằng các biện pháp trừng phạt, do đó, không nên dỡ bỏ đòn bẩy quan trọng này".
Trung Quốc và Nga đã cung cấp sự ủng hộ cần thiết cho Kim Jong Un để bắt đầu quá trình đàm phán với Hoa Kỳ. Trong ba tháng, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã thực hiện ba chuyến thăm Trung Quốc, kể cả các chuyến thăm trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Trump ở Singapore và một tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh. Số lượng các chuyến thăm trong thời gian nhắn như vậy là một trường hợp chưa từng có trong nền ngoại giao thế giới. Điều đó cho thấy vai trò đặc biệt của Trung Quốc trong quá trình giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, chuyên gia Lyu Chao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc thuộc Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh cho biết:
"Sau ba cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, hai đảng cầm quyền đã nối lại các mối quan hệ bình thường. Hai bên đã khôi phục truyền thống thông báo cho nhau về các quyết định chiến lược của đảng. Ví dụ, trước cuộc gặp của Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên cũng đã duy trì các liên hệ cần thiết. Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ thiết thực cho Triều Tiên, ví dụ, chiếc phi cơ Trung Quốc đã chở lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Singapore để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh. Mối quan hệ giữa giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Lao động Triều Tiên đã được bình thường hóa, và hai bên đang tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực".
Ngoài ra, từ quan điểm địa chính trị, việc bình thường hóa tình hình trên Bán đảo Triều Tiên có liên quan trực tiếp đến lợi ích an ninh của Trung Quốc. Bắc Kinh không thể thờ ơ với tình hình căng thẳng trong khu vực. Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đã nối lại quan hệ giữa hai đảng, tăng cường quan hệ song phương, điều này là rất quan trọng để ổn định lại tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và phục vụ lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho rằng, một trong những kết quả quan trọng nhất của năm 2018 là hai miền Triều Tiên đã khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự. Thỏa thuận này đã đạt được tại cuộc đàm phán đầu tiên trong hơn 10 năm qua giữa các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên. Việc khôi phục đường dây liên lạc là một biểu tượng của sự tin cậy lẫn nhau. Trong năm 2018 Bình Nhưỡng và Seoul cũng bắt đầu đối thoại về chủ đề "Phi quân sự khu vực biên giới giữa hai miền Triều Tiên", ví dụ, hai bên bắt đầu dỡ bỏ một số trạm gác dọc biên giới, bước tiếp theo trong tiến trình cải thiện quan hệ.