Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đánh giá: "Trong năm 2018, hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam về cơ bản theo đúng kế hoạch đề ra những ngày đầu tiên từ năm 2014 được Bộ Chính trị thông qua và Thủ tướng chấp thuận.
Năm nay, có một số sự kiện tương đối nổi bật, thể hiện sự phát triển của hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam. Thứ nhất, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được nâng cấp lên Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ban chỉ đạo và tổ công tác liên ngành hoạt động gìn giữ hòa bình của Chính phủ cũng được kiện toàn thêm một bước mới để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ hai, về mặt thể chế, UB Thường vụ QH đã có nghị quyết về một số nội dung hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ cũng đã có một số chỉ thị, nghị định đảm bảo cho hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài được tiến hành một cách thuận lợi, đặc biệt là nghị định về chính sách với các sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Chính sách tốt đẹp này tạo thuận lợi cho cán bộ chiến sĩ.
Thứ ba là việc đưa bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đi Nam Sudan. Đây là sự kiện không lớn nhưng thực chất là việc Việt Nam chưa bao giờ làm, cơ động lực lượng gồm hơn 70 đồng chí sang châu Phi cùng gần 400 tấn hàng bằng cả đường biển và đường không. Ngay khi sang tới nơi phải đảm bảo về các mặt sinh hoạt, ăn ở, thực hiện ngay được nhiệm vụ.
Sau khoảng 2 tuần, bệnh viện dã chiến cấp 2 đã bước vào hoạt động thuận lợi và đạt được yêu cầu của LHQ.
Có thể nói, năm 2018 là năm có nhiều sự kiện, chứng kiến nhiều tiến bộ của lực lượng gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh khó khăn còn trước mắt. Chúng ta chưa thể tự mãn, chưa thể hài lòng với những gì chúng ta đạt được vì đây chỉ là bước đi ban đầu.
Hoạt động gìn giữ hòa bình trong thời gian qua đóng góp như thế nào vào công tác đối ngoại đa phương và nâng cao vị thế Việt Nam?
Tôi muốn nói rằng, hoạt động gìn giữ hòa bình có đóng góp nhỏ bé, khiêm tốn nhưng hết sức quan trọng trong đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước. Khi nói tới đối ngoại đa phương, việc đầu tiên là chúng ta mong muốn, yêu cầu cộng đồng quốc tế phải tôn trọng lợi ích của Việt Nam, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển. Đó là yêu cầu đầu tiên chúng ta đặt ra khi thực hiện đường lối đối ngoại đa phương.
Ở chiều ngược lại, các bên cũng đặt câu hỏi Việt Nam làm gì đóng góp sự ổn định và hòa bình của khu vực cũng như quốc tế.
Hoạt động gìn giữ hòa bình là một trong nhiều hoạt động của Đảng, Nhà nước ta chứng tỏ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có trách nhiệm trong các hoạt động đóng góp vào hòa bình ổn định khu vực và bây giờ là trên thế giới.
Sự hỗ trợ và hợp tác với cộng đồng quốc tế trong công tác gìn giữ hòa bình của Việt Nam như nào, thưa ông?
Chúng ta thực hiện hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ trên cơ sở tính toán rất kỹ về khả năng của chúng ta. Khi đủ khả năng về nội lực ta mới chính thức tham gia hoạt động này. Bằng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự góp sức của các bộ ban ngành, chúng ta đảm bảo đủ năng lực tham gia.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đóng cửa lại, tự chuẩn bị cho mình thì khi bước ra không gian mới sẽ gặp rất nhiều vấn đề khó có thể tự giải quyết. Hợp tác quốc tế giúp chúng ta bước qua được khó khăn đó, bớt những bỡ ngỡ ban đầu, có được sự chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia bạn bè, của LHQ.
Các nước bạn bè giúp chúng ta rất nhiều về mặt trang bị, kỹ thuật, hay một số trang bị công binh, quân y… Tất cả tạo ra nguồn lực tổng hợp từ bên ngoài giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ.
Xin Thứ trưởng cho biết những ưu tiên trong triển khai công tác gìn giữ hòa bình thời gian tới?
Ưu tiên đầu tiên là những gì chúng ta đang làm tiếp tục làm tốt, hoạt động của các sĩ quan cũng như bệnh viện dã chiến càng ngày chất lượng càng phải tốt hơn.
Tới đây, chúng ta còn chuẩn bị cho việc thay quân. Thay quân không phải là lực lượng khi về nước thì nghỉ. Ví dụ, lực lượng bệnh viện dã chiến cấp 2 hiện đang ở châu Phi khi về nước sẽ là lực lượng bệnh viện dã chiến của quân đội, thực hiện nhiệm vụ của quân đội, đặc biệt là tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa cho người dân trong nước.
Chúng ta đang nghiên cứu chuẩn bị để năm 2020 có thể có đội công binh sang hoạt động ở phái bộ. Điều này còn phụ thuộc vào hai yếu tố chính là yêu cầu của LHQ và khả năng chủ trương của Việt Nam.