Theo tác giả Khắc Giang trên Vietnamnet, giữa cao trào của cuộc chiến tại Việt Nam, có hai sự kiện quan trọng không chỉ làm thay đổi chiến lược của Mỹ tại Đông Dương, mà còn tác động lâu dài đến sự phát triển chính trị của quốc gia này. Đó là vụ tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc (Pentagon Papers) và bê bối Watergate. Sự kiện đầu tiên là giọt nước tràn ly cho sự bất mãn của công chúng Mỹ với chiến tranh Việt Nam, góp phần khiến Nhà trắng rút lui khỏi mọi can dự ở Đông Dương. Sự kiện thứ hai buộc Tổng thống Nixon phải từ chức.
Vai trò lớn nhất trong hai sự kiện đó thuộc về báo chí và "người thổi còi" (whistleblower) — những cá nhân rò rỉ thông tin cho nhà báo. Tài liệu về cuộc chiến đang diễn ra lẫn bí mật của nguyên thủ được coi là tối mật, dẫn đến cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa những cá nhân liên quan với nhà nước Mỹ. Tòa án Tối cao sau đó ra phán quyết có lợi cho bên tiết lộ, theo hướng bảo vệ quyền được biết những thông tin quan trọng của công dân, thay vì quyền được che giấu của chính quyền.
Tất nhiên, Hồ sơ Lầu Năm Góc và Watergate là những trường hợp kinh điển. Trên thực tế, không phải thông tin nào cũng phải được công khai ngay lập tức. Thông tin không chỉ để đảm bảo an ninh quốc gia hay quốc phòng, mà nhiều khi còn giữ vai trò then chốt cho sự thành bại của một quyết sách.
Nhà kinh tế học Robert Lucas từng chứng minh rằng một chính sách sẽ không thể thành công nếu không tính đến kì vọng của công chúng. Những người khôn ngoan sẽ thay đổi hành vi rất nhanh, khiến chính sách thất bại trước khi nó được đưa ra, nếu "đánh hơi" được ý định của nhà nước. Ví dụ điển hình gần đây là dự thảo Luật Đặc khu. Nguồn vốn chủ yếu để phát triển hạ tầng tại các đặc khu là đất, thông qua chính sách đổi đất lấy hạ tầng. Nhưng các địa điểm đó đều không còn quỹ đất trống do giới đầu cơ đổ xô đến gom đất. Thiếu vốn trở thành vấn đề được dự báo trước.
Ở nước ta, không ít các trường hợp bị xử lý vì vi phạm quy định về tiết lộ bí mật nhà nước. Một số phạm tội vì lợi ích cá nhân, như vụ án Vũ nhôm vừa mới được tuyên án, nhưng cũng có nhiều người trong số đó thực hiện hành vi với mong muốn cung cấp thông tin cho công luận.
Việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước vào tháng 11 vừa qua là bước đi quan trọng nhằm xóa bỏ tình trạng mập mờ về pháp lý. Cùng với Luật Tiếp cận Thông tin 2016, luật này sẽ giúp các cơ quan hữu quan cũng như công chúng xác định rõ ràng hơn ranh giới của nhu cầu bí mật và nghĩa vụ công khai thông tin từ phía chính quyền.
Tuy nhiên, nếu đối chiếu các điều luật cụ thể, có thể thấy Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước có phạm vi điều chỉnh rất rộng. Không chỉ các vấn đề liên quan đến hệ thống nhà nước (ngân sách, tình hình chính trị — xã hội, sức khỏe lãnh đạo,…), Luật còn quy định các thông tin thuộc khu vực văn hóa — xã hội như cách tuyển chọn huấn luyện viên hay "thông tin phức tạp" về tệ nạn xã hội và bình đẳng giới… Điều này sẽ dẫn đến một câu chuyện hệ trọng khác: ai sẽ có quyền dán nhãn thông tin là mật hay không?
Để luật không làm hạn chế các quyền Hiến định hay Luật Tiếp cận thông tin, đại diện của tư pháp (ví dụ như tòa án) sẽ chịu trách nhiệm xem xét các thông tin nào nên được xếp vào dạng "mật" khi công dân yêu cầu. Việc đánh giá sẽ dựa trên từng trường hợp cụ thể, theo yêu cầu của cơ quan — tổ chức hoặc cá nhân, thay vì quy định thành chi tiết một cách cứng nhắc. Nếu không, sẽ không thiếu nguy cơ con dấu mật trở thành bình phong cho những hoạt động mờ ám, thiếu sự giám sát.
Không ai có thể phủ nhận vai trò bảo mật thông tin cho nhà nước. Nhưng bảo mật là con dao hai lưỡi, bởi bóng tối không chỉ tạo điều kiện cho thói xấu nảy sinh, mà còn dung dưỡng cho những tin đồn thất thiệt, đặc biệt là trong thời đại internet. Vì thế, bộ máy nhà nước càng ít "vùng cấm" thì càng minh bạch, tạo dựng được niềm tin, và từ đó dễ vận hành hơn, chứ không phải là ngược lại.